4
18
/
911719
Chuyện về người anh hùng khoác áo Blouse trắng Nguyễn Ngọc Hàm
longform
Chuyện về người anh hùng khoác áo Blouse trắng Nguyễn Ngọc Hàm

 

Có một bác sĩ luôn mang trong mình lý tưởng trong sáng và cao cả vì nhân dân, là một biểu tượng của tinh thần cống hiến, tư duy sáng tạo và tinh thần vượt lên mọi nghịch cảnh. Khi còn sống ông không thích nói về mình nên tư liệu hình ảnh về ông rất ít, chỉ chủ yếu qua hồi ức của những người cùng thời. Nhưng chỉ cần ngần đó những câu chuyện kể về ông, người ta có thể hiểu được phần nào về sự phát triển của ngành Y trong suốt nửa thế kỷ qua. Ông là Anh hùng Lao động - Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Ngọc Hàm.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm sinh năm 1933 tại huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, nhưng lớn lên ở Lào, Hải Phòng và Quảng Yên. Thuở nhỏ, bác sĩ được học chữ Pháp ở trường Tây và học đến hết bậc tú tài. Năm 1953, ông đỗ tú tài toán, thi vào đại học sư phạm, học được 1 tháng thì xin chuyển sang đại học y, được đào tạo bác sĩ ngoại khoa, sau khi tốt nghiệp được chuyển về Bệnh viện Việt - Đức đào tạo tiếp bác sĩ nội trú.

Bệnh viện Móng Cái nơi bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm từng làm việc. Ảnh tư liệu trong sách
Bệnh viện Móng Cái nơi bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm từng làm việc. Ảnh tư liệu trong sách "50 năm ngành Y tế Quảng Ninh".

Năm 1961, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm là một trong 6 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất của khóa. Ông được phân công về Móng Cái làm Bệnh viện trưởng (sau này gọi là giám đốc) Bệnh viện Hải Ninh. Năm 1963, khi Hải Ninh sáp nhập với khu Hồng Quảng thì bệnh viện đổi tên thành Bệnh viện Móng Cái và bác sĩ Hàm được cử làm Phó Giám đốc suốt 15 năm.

Bệnh viện Hải Ninh lúc đó đối diện với vô vàn khó khăn, trang thiết bị y tế sơ sài, cơ sở vật chất hầu như không có gì. Những năm đó, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm toàn phải sử dụng đèn pin, đèn măng sông khi thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân.

Ông Nguyễn Duy Nhượng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hải Ninh (nay là TP Móng Cái) nhớ lại: “17 năm bác sĩ Hàm ở Hải Ninh cũng là những năm khó khăn gian khổ nhất. Nhưng trong khó khăn anh em chúng tôi càng gắn bó, tình cảm hơn. Ở Hải Ninh, bác sĩ Hàm không những điều trị bệnh cứu người, mà còn làm tốt cả y tế dự phòng, đào tạo "cầm tay chỉ việc" và trực tiếp đào tạo đội ngũ nhân viên y tế cho địa phương”.

Bác sĩ Hàm (bên trái) và ông Nguyễn Duy Nhượng. Ảnh tư liệu của ông Nguyễn Duy Nhượng.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm (bên trái) và ông Nguyễn Duy Nhượng. Ảnh tư liệu của ông Nguyễn Duy Nhượng.

Nhắc về giai đoạn đó, Giáo sư Đặng Hanh Đệ, bạn cùng lớp tại Đại học Y Hà Nội, luôn dành cho bác sĩ Hàm rất nhiều cảm phục: “Dù trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn, ông đã từng bước gây dựng bệnh viện từ một cơ sở y tế nhỏ bé trở thành một bệnh viện dẫn đầu tỉnh. Thậm chí, người bệnh ở bên kia biên giới cũng phải tìm sang bệnh viện của ông để chữa bệnh”.

Là Bệnh viện trưởng nhưng bác sĩ Hàm còn đồng thời làm trưởng khoa của 3 khoa trong viện. Nhờ sự tận tâm và tài năng của ông mà hàng ngàn người bệnh đã được ông cứu sống. Ông cho rằng, người bệnh nguy kịch mới tìm đến bệnh viện thì có khi họ chết rồi nên mình phải tìm đến với họ trước. Nghĩ vậy nên ông đã đi khắp 7 huyện miền Đông của tỉnh, đến những vùng sâu, vùng xa, kịp thời xử lý những ca cấp cứu hiểm nghèo nhất. Hình ảnh ông trở nên vô cùng thân thuộc với đồng bào các dân tộc ở đây, là ân nhân của nhiều gia đình. Nhiều bệnh nhân như thế ông chẳng thể nhớ tên và cũng chẳng mong họ đền đáp gì mình.

Ông Phạm Văn Pẩu, nguyên Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính, Bệnh viện Hải Ninh, hiện ở xã Hải Đông (TP Móng Cái), kể: “Sinh thời, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm là người cần mẫn, tận tụy nhưng cũng rất mạnh mẽ, nói là làm, quyết đoán trong công việc chuyên môn. Đối với người bệnh, bác sĩ ân cần, chu đáo không phân biệt”.

Theo lời kể của ông Pẩu, hồi ấy đường sá đi lại rất khó khăn. Từ Móng Cái về Tiên Yên phải mất đến 3 giờ xe chạy. Có những ca khó ở Tiên Yên, bác sĩ gây mê đưa bệnh nhân lên bàn mổ rồi mà loay hoay không xử lý được lại phải chờ bác sĩ Hàm về giải quyết. Có bệnh nhân người Dao được bác sĩ cứu thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Sau đó gần như cả bản người Dao kéo xuống cảm ơn bác sĩ.

Ngay bản thân ông Pẩu vừa là đồng nghiệp cũng là người chịu ơn bác sĩ Hàm vì đã được cứu trong cơn thập tử nhất sinh. Ông Pẩu nhớ như in: Ngày 14/4/1975, tôi đau bụng quằn quại. Anh em chẩn đoán là giun chui cuống mật, làm giảm đau cho tôi. Một lúc sau, bác sĩ Hàm đi Tiên Yên về. Ông khám cho tôi rồi khẳng định: "Bị viêm ruột thừa, chuẩn bị mổ ngay. Tất cả y, bác sĩ ai có nhóm máu O sẵn sàng truyền máu cứu nó”. Sau lần đó, ông Pẩu được cứu thoát, tình cảm giữa ông và bác sĩ Hàm lại càng thêm gắn bó, keo sơn như anh em một nhà.

Năm 1978, chia tay Móng Cái, bác sĩ Hàm sang Pháp tu nghiệp và học về quản lý. Ông trở về nước năm 1980. Thời điểm ấy, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đi vào hoạt động, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm được Bộ Y tế cử làm Giám đốc Bệnh viện đến năm 2003. Người dân Uông Bí vẫn thường gọi Bệnh viện bằng cái tên quen thuộc là “Bệnh viện ông Hàm”.

Trong suốt giai đoạn ở Uông Bí, bác sĩ Hàm đồng thời đảm nhiệm cương vị là một bác sĩ, một người lãnh đạo. Với vai trò quản lý, bác sĩ Hàm đã vận dụng những kiến thức học được từ Pháp, tiếp thu những tiến bộ của nền y tế Thụy Điển và xây dựng bệnh viện với triết lý riêng. Bác sĩ Trần Viết Tiệp, Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, cho biết: Tôi luôn nhớ rất rõ câu nói của Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Ngọc Hàm là “Bệnh viện phải không tường, luôn hướng về cộng đồng, không còn bức tường ngăn cách".

Thời điểm đó, đây là một tư duy rất mới mẻ, tiên phong và tiến bộ. Từ tư duy đó, ông rất quan tâm xây dựng mạng lưới y tế cộng đồng, xây dựng mô hình bệnh viện tuyến trên hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới, hỗ trợ các trạm xá, trung tâm y tế huyện và đặc biệt đề cao công tác phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Bên cạnh việc trực tiếp khám, chữa cho bệnh nhân, ông còn có nhiều công trình nghiên cứu khoa học đóng góp cho ngành Y như: Nuôi trẻ sinh non bằng phương pháp ủ mẹ (Kanguru); áp dụng kỹ thuật thích ứng, cho ăn ngay sau khi mổ dạ dày; mổ sạch không dùng kháng sinh. Bác sĩ Hàm cũng là người đóng vai trò kết nối, duy trì những mối quan hệ hợp tác với nhiều chuyên gia Thụy Điển. Ông chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu với tổ chức SAREC của Thụy Điển về cây cỏ thuốc Nam. 

Ông cũng là người đặt viên gạch đầu tiên cho ngành Điều dưỡng Việt Nam. Năm 1983, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí là bệnh viện đầu tiên của nước ta có Khoa Điều dưỡng và trở thành mô hình chuẩn được nhân rộng ra cả nước. Sau đó, năm 1990, ông cùng bà Vi Nguyệt Hồ, vợ cố Giáo sư Tôn Thất Tùng, đồng sáng lập ra Hội Điều dưỡng Việt Nam và trở thành cố vấn cao cấp của Hội. Nhờ những đóng góp của ông, Bệnh viện và Khoa Điều dưỡng đều được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm giảng tại lớp tập huấn Giám đốc các bệnh viện, Hà Nội, năm 1990.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm giảng tại lớp tập huấn Giám đốc các bệnh viện, Hà Nội, năm 1990.

Năm 1995, ông đã được trao tặng danh hiệu cao quý Thầy thuốc Nhân dân. Năm 2000, ông là một trong những người đầu tiên của ngành Y tế được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Nhiều học trò của ông nay đã trở thành những Thầy thuốc Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Sinh thời, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm khẳng định, danh hiệu anh hùng chưa bao giờ là mục tiêu phấn đấu của ông. Không có anh hùng ông vẫn làm việc như vậy. Và quan trọng hơn cả là anh hùng trong lòng nhân dân. Gia tài tình cảm là thứ bác sĩ Hàm được nhận lại từ nhân dân khi cả cuộc đời ông chỉ biết cho đi, cống hiến không mệt mỏi. Ở Uông Bí, ông xây nhà gần bệnh viện để tiện cho việc đi lại khi cần cấp cứu bệnh nhân. Ông bảo chẳng cần làm nhà to tát tiện nghi làm gì vì thời gian ông ở viện nhiều hơn ở nhà.

Và cũng vì người bệnh, ông đã hy sinh cả hạnh phúc riêng tư. Bà Nguyễn Thị Kim Chi, vợ ông kể: “Đến ngày cưới của mình mà ông ấy còn bỏ đi mổ để tôi lại một mình. Với ông ấy, sức khỏe của bệnh nhân là trên hết”. Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, con gái bác sĩ Hàm, bùi ngùi nhớ lại: “Bố tôi đang ăn bỏ đũa đi mổ cấp cứu là bình thường. Có khi giấc ngủ cũng chưa tròn thì phải bật dậy đi mổ”.

Sau khi buông dao mổ, hình ảnh bác sĩ Hàm vẫn luôn được người bệnh, đội ngũ y, bác sĩ và đối tác nhớ đến. Bà Chris, bác sĩ người Thụy Điển, nhận định: “Bác sĩ Hàm luôn rất tốt với bệnh nhân và nhiệt tình với những người bạn Thụy Điển chúng tôi. Đời sống rất khó khăn, rất nghèo, nhưng bác sĩ Hàm luôn động viên, khích lệ anh em tin tưởng vào phía trước. Ông ấy luôn khiến mọi người cảm thấy hạnh phúc. Vì thế nên chúng tôi đã hợp tác rất tốt với nhau”.

Tuy không sinh ra ở Quảng Ninh nhưng cả cuộc đời bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm đã gắn bó máu thịt với vùng đất này đã đồng cam cộng khổ với từng người bệnh, đau nỗi đau bệnh tật với họ, chung niềm vui khỏi bệnh với họ. Và nay, dù ông đã đi xa, nhưng những câu chuyện về ông vẫn được kể mãi. “Đến tận bây giờ, đọng lại trong tôi vẫn là hình ảnh người bác sĩ tận tụy, nhiệt tình, hăng hái trong công việc, thoải mái trong đời thường, gần gũi với nhân dân. Anh ấy vẫn sống trong tâm trí chúng tôi” - ông Nguyễn Duy Nhượng khép lại câu chuyện kể về bác sĩ Hàm như thế.

Bài: Huỳnh Đăng

Ảnh: Phạm Học, Thu Hằng (CTV), Tư liệu

Trình bày: Hải Anh

[links()]

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu