4
18
/
906379
Ánh điện mùa xuân
longform
Ánh điện mùa xuân

 

 

 

 
Những ngày đầu năm 2019 chúng tôi đến xã vùng cao Thanh Lâm của huyện Ba Chẽ, không gian trên các ngả đường như bừng sáng khi được khoác trên mình một màu áo mới tươi đẹp của những nhánh hoa rừng chạy dọc trên triền núi, xua tan đi cái lạnh. Hương sắc mùa xuân lan toả khắp các bản làng, thôn xóm. Mùa xuân này, người dân nơi đây không chỉ vui mừng có con đường thảm nhựa rộng mở mà còn đón nhận dòng điện lưới quốc gia toả sáng các thôn, bản...
 

Vẫn con đường uốn lượn quanh co giữa các ngọn núi, triền đồi năm nào tôi đã đi qua, nhưng nay đã điểm vào đó những hàng cột điện, dây cáp kẻ một đường thẳng dài trên không trung khiến bức tranh vùng cao thêm sinh động. Thôn Làng Lốc (xã Thanh Lâm) những năm trước bà con nơi đây còn chưa hề biết đến ánh sáng của điện, nhưng bây giờ, khi màn đêm buông xuống cả thôn đã trở nên ấm áp hơn nhờ có điện lưới quốc gia.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà tràn đầy ánh điện, ông Nịnh Văn Thắng (thôn Làng Lốc) nhớ lại, trước đây vùng đất này là những quả đồi thưa thớt người ở, sau những tháng ngày vất vả khai hoang, cuộc sống của bà con nơi đây đã dần ổn định. Tuy nhiên, các hộ dân vẫn phải sống trong cảnh đèn dầu, điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế - xã hội của người dân trong thôn. Nhiều gia đình đến mùa giáp hạt thường rơi vào cảnh thiếu ăn. Vì thế nên việc học hành của con trẻ cũng ít được người lớn chú trọng. Thêm vào đó là khó khăn, cách trở trong đi lại...

 
 
Bà con nơi đây luôn mơ ước cải thiện cuộc sống, đặc biệt là có nguồn điện thắp sáng. Nhiều hộ làm thủy điện nhỏ phải đắp đập, đầu tư máy phát khá tốn kém, trong khi mỗi năm chỉ được sử dụng vài tháng, đó là chưa kể vào mùa mưa, lũ từ thượng nguồn đổ về phá vỡ đập, cuốn trôi cả máy. Ắc quy để nạp điện thường hay bị hư hỏng, mỗi năm ít nhất phải thay một lần, mỗi lần tốn cả triệu bạc. Đến nay, khát khao cháy bỏng ấy đã trở thành hiện thực. Những trụ điện thẳng tắp, những đường dây điện giăng toả khắp núi đồi... đang mang ánh sáng về với từng mái ấm nơi vùng cao xa xôi.
 
Ở một đỉnh dốc cao, ngôi nhà cấp 4 nhỏ nhắn của gia đình anh Nịnh Văn Hải, Trưởng thôn Làng Lốc nổi bật trên nền xanh thẫm của núi rừng. Vừa vào đến sân, chúng tôi đã nghe thấy tiếng nhạc rộn ràng phát ra từ bên trong. Trên chiếc giường kê sát góc nhà, mấy đứa trẻ đang ngồi xem chương trình dành cho thiếu nhi. Thấy có người lạ, chúng đưa mắt liếc trộm rồi lại chăm chú nhìn vào màn hình.
 
Người trưởng thôn đã ngoài 30 tuổi pha nước mời khách và nhanh chuyện: Mình đi nhiều nơi, nhìn mọi người được sử dụng cái điện mà thấy thèm lắm. Nay được nhà nước quan tâm cho cái điện, bà con mình vui lắm. Cuộc sống của người dân chúng tôi chắc chắn sẽ sung túc hơn ngày trước. Có điện rồi, nhiều nhà mua ti vi để được sáng cái đầu và học cách làm ăn, trẻ con cũng có điều kiện học hành tốt hơn.
 
Con gái anh Hải cũng hồ hởi kể: Mẹ cháu mới mua cho cái đèn điện để học bài, sáng lắm, thấy rõ từng con chữ. Còn ở trên lớp thì được học trong ánh sáng đầy đủ không bị thiếu như trước đây nữa.
Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lâm Hoàng Văn Thắng khẳng định: Có điện, người dân sẽ có cơ hội thoát nghèo. Nhìn ánh mắt trong veo và hồn nhiên của những đứa trẻ học bài dưới ánh sáng điện lung linh, chúng tôi càng hiểu hơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền. Việc đưa điện lưới quốc gia lên vùng cao đã và sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nơi đây.

 

 
Hiện nay, tuy cái nghèo vẫn còn, nhưng khi có điện, nhiều gia đình đã cố gắng sắm đài, tivi, mua quạt điện, nồi cơm điện... phục vụ cuộc sống hàng ngày. Người dân vùng cao nay không còn phải thổi lửa, chong đèn mà chỉ cần ấn nhẹ vào công tắc điện là ánh sáng toả khắp nhà. Hàng đêm, trẻ em không còn phải học bài dưới ánh đèn dầu leo lét... Khi có điện, công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng sẽ thuận lợi hơn.
 
Cùng với nhân dân trong thôn, các thầy cô giáo và các cháu học sinh ở điểm trường tiểu học và mầm non thôn Làng Lốc cũng chịu nhiều thiệt thòi do không có điện. Muốn vận dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy cho học sinh nhưng không được, nên việc chuyển tải kiến thức cho các em cũng có phần hạn chế. Bây giờ có điện, các thầy cô giáo ở đây sẽ có điều kiện nâng cao chất lượng dạy học, góp phần nâng cao dân trí cho con em đồng bào các dân tộc. Có điện, đời sống tinh thần của các thầy cô giáo cắm bản cũng được nâng lên.

 

 

Thợ đường dây điện là một nghề rất vất vả, nặng nhọc, nguy hiểm. Để cấp điện ổn định cho bà con, những người thợ điện phải đánh đổi cả tính mạng của mình, nhất là những người làm điện ở vùng cao, nơi có khí hậu, địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn.
 
Anh Nguyễn Văn Hiền, công nhân Điện lực Ba Chẽ tâm sự: Khổ nhất là đi kéo đường dây, có hôm phải ngủ lại bản, nhưng với quyết tâm đưa dòng điện quốc gia về cho bà con vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên, chúng tôi sẵn sàng làm việc ngày đêm. Vượt suối, leo đèo, trên lưng còn phải cõng trang thiết bị, nhưng bù lại niềm vui của bà con khi có điện là động lực giúp chúng tôi vượt qua tất cả những khó khăn. Nhiệm vụ hoàn thành, anh em lại nhìn nhau cười nhẹ nhõm.
 
 
Là tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, dân cư phân bố không tập trung, suất đầu tư lưới điện đến các hộ dân lớn, song được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước qua các chương trình, dự án, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia trên địa bàn Quảng Ninh đạt 99,86%. Trong đó, 111/111 xã tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành mục tiêu về tiêu chí điện nông thôn với 2 chỉ tiêu: Hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện; tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn. Từ đó, đóng góp tích cực vào chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
 
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020, năm 2018 Quảng Ninh tiếp tục dành 55 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để đầu tư dự án cấp điện cho gần 500 hộ dân sinh sống ở các cụm, điểm dân cư dưới 20 hộ chưa được sử dụng điện tại 9 địa phương: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Hoành Bồ, Cô Tô và Đông Triều.
 

 

 
Sau những nỗ lực đưa điện về vùng “lõm”, đến nay Quảng Ninh là địa phương đầu tiên có 100% hộ dân khu vực nông thôn, miền núi có điện, về đích trước hai năm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020. Việc hoàn thành công trình là minh chứng rõ ràng về một chính quyền vì dân, chăm lo cho dân với quan điểm “không ai bị bỏ lại phía sau”.
 
Một năm mới đã đến, mùa xuân này dòng điện lưới quốc gia đã bừng sáng ở nhiều bản làng, mang hơi thở ấm áp của mùa xuân đến với cuộc sống mới của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.
 
Bài, ảnh: Thu Trang
Trình bày: Tất Đạt
 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu