4
18
/
905459
Nghệ sĩ nơi tuyến lửa
longform
Nghệ sĩ nơi tuyến lửa

 

1
Nghệ sĩ Văn Anh (thứ ba, phải sang) biểu diễn phục vụ bộ đội tại Pò Hèn, cuối tháng 2/1979. Ảnh: Trương Thái.

40 năm trước, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, các nghệ sĩ văn công xung kích của Quảng Ninh đã hăng hái lên đường sát cánh cùng bộ đội. Chỉ khác, vũ khí của họ không hề có súng đạn trên vai mà chỉ là đàn, sáo và câu hát trên môi. Những nghệ sĩ xung kích Quảng Ninh đã chiến đấu bằng trái tim yêu nước và tài năng nghệ thuật của mình.

Tiếng hát băng qua lửa đạn

Năm 1979, nhận công tác được 1 năm, nghệ sĩ Thanh Mai (nay là Nghệ sĩ Ưu tú) cùng đội văn công xung kích của Đoàn Nghệ thuật Chèo Quảng Ninh đi biểu diễn ở tuyến biên giới Hoành Mô, Bắc Phong Sinh, Pò Hèn.

Nghệ sĩ Vùng mỏ Kim Oanh và đội văn công xung kích của Công ty Than Hòn Gai biểu diễn phục vụ bộ đội đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Ảnh: Đoàn Đạt.
Nghệ sĩ Vùng mỏ Kim Oanh và đội văn công xung kích của Công ty Than Hòn Gai biểu diễn phục vụ bộ đội đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Ảnh: Đoàn Đạt.

Nghệ sĩ Thanh Mai kể, lúc đó đời sống của anh em vô cùng khó khăn. Nghệ sĩ cùng bộ đội ăn ngô ăn khoai thay cơm, đến 1 con cá khô thôi cũng phải chia đôi, sẻ nửa nhưng anh em rất đoàn kết gắn bó thương yêu nhau. Bộ đội và văn công cùng san sẻ khó khăn.

NSƯT Trọng Bình, nguyên Trưởng đoàn Nghệ thuật Chèo Quảng Ninh, lúc đó đang làm Bí thư Chi đoàn thanh niên của Đoàn, nhớ lại: Ngay sau khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, đoàn chúng tôi đã có mặt ở các điểm nóng. Cứ nơi nào có bộ đội là nghệ sĩ chúng tôi có mặt để biểu diễn động viên tinh thần chiến sĩ. Chúng tôi đi cả tháng trời để có mặt ở cả các điểm cao như Pò Hèn, Thán Phún, Cao Ba Lanh, Cao Ly. Đoàn chúng tôi gồm có Thanh Chắc, Thanh Mai, Trọng Bình, Việt Thành, Minh Huệ, Hải Yến, Kim Phượng, Thu Hiền, Ngọc Ẩn, Huy Mạch, Ngọc Am...

Nghệ sĩ Văn Anh và vợ xem lại những bức ảnh kỷ niệm 40 năm trước.
Nghệ sĩ Văn Anh và vợ xem lại những bức ảnh kỷ niệm 40 năm trước.Ảnh: Phạm Học.

Anh chị em nghệ sĩ biểu diễn cả vở chèo ở các đơn vị bộ đội, ở huyện, ở xã còn đối với các chốt, các điểm cao thì chỉ biểu diễn một vài trích đoạn chèo, độc tấu nhạc cụ còn lại là hát những bài hát cách mạng. Một số bài hát họ hay hát trong giai đoạn đó như: “Hoa sim biên giới”, “Cây súng tuần tra”, “Tôi là Lê Anh Nuôi” .v.v.

NSƯT Trọng Bình kể: Khi chúng tôi lên chốt biểu diễn cho anh em đứng gác xem chỉ dám mang máy phát điện loại nhỏ và mấy bóng điện rất bé, không dám thắp sáng nữa vì sợ địch phát hiện. Hát cũng chẳng dám mở loa to. Vì đi biểu diễn không đủ người nhất là lên các điểm cao không được đi đông nên chúng tôi phải kiêm nhiều thứ. Riêng tôi vừa hát vừa chạy tổ đài lại vừa tổ chức biểu diễn. Chúng tôi nhớ nhất những đêm diễn rồi cùng ăn, cùng ở với chiến sĩ Sư đoàn 395, Trung đoàn 41 .v.v. Cứ thế, chúng tôi đi với bộ đội liên miên cả tháng trời.

Một trong những ca khúc viết về biên giới của nhạc sĩ Đỗ Hòa An. Ảnh: Phạm Học.
Một trong những ca khúc viết về biên giới của nhạc sĩ Đỗ Hòa An. Ảnh: Phạm Học.

Không chỉ có diễn viên chèo mà nhiều diễn viên khác của Đoàn Ca múa nhạc Quảng Ninh cũng có mặt ngay khi tiếng súng biên giới nổ ra. Diễn viên ca múa có các nghệ sĩ: Tuấn Lợi, Dương Phú, Đỗ Hòa An, Bích Hòa, Mạnh Hải ...

Nhạc sĩ Đỗ Văn Đồng (tức Đỗ Hòa An), nguyên Phó trưởng Đoàn Ca múa nhạc Quảng Ninh, nhớ lại: Chúng tôi đã theo chân các đơn vị bộ đội, đi cùng với công an lên Cao Ba Lanh, ra Hà Cối, leo đỉnh Quảng Long Châu. Chúng tôi đến sống cùng chiến sĩ, biểu diễn cho chiến sĩ Sư đoàn 395, Trung đoàn 8 nghe. Nghệ sĩ chỉ có cây đàn và tiếng hát, chẳng súng ống gì nên được các đồng chí công an bảo vệ chu đáo. Chúng tôi hành quân đến đâu cũng được báo cáo tình hình với ông Lê Mai lúc đó là Trưởng ty Công an. Ấy vậy, nhưng nhạc sĩ Dương Phú vẫn bị bắn tỉa suýt chút nữa trúng đạn ở Bình Liêu.

NSƯT Đỗ Trọng Bình không thể quên được ký ức biên giới năm 1979.
NSƯT Đỗ Trọng Bình không thể quên được ký ức biên giới năm 1979.Ảnh: Phạm Học.

Nhạc sĩ Đỗ Hòa An rơm rớm nước mắt khi kể lại câu chuyện cách đây 40 năm. Khi đó, các nghệ sĩ phải chia nhỏ ra từng tốp để lên điểm cao biểu diễn. Lên Cao Ba Lanh sương trắng mù trời chỉ thấy hào sâu, hầm hố và gió núi. Hát xong cho bội đội nghe, quay lại thì thấy bộ đội đã bị địch bắn bị thương. Có chị em nghệ sĩ vừa dìu bộ đội xuống vừa khóc nức nở.

Nghệ sĩ cũng phải hành quân như bộ đội, học cách ngụy trang, học cách lên điểm cao phải núp vào dưới vách núi để tránh pháo của địch dội từ bên kia biên giới sang. Chiến sĩ và nghệ sĩ lúc đó không hề có sự tách biệt. Dù chẳng đủ áo quần để mặc nhưng họ đã nhường cơm sẻ áo cho nhau; bộ đội san sẻ với văn công từng bánh lương khô. Nhạc cụ thì đơn sơ chỉ có 1 cây ác-cóc- đê- ông, thiết bị có 1 cái MIC, 1 cái máy nổ phải 4 người khiêng mới lên được chốt.

Tuy nhiên, những tháng ngày gian khó ấy đã cung cấp chất liệu để chắp cánh cho người nghệ sĩ Đỗ Văn Đồng viết những bài hát trong lửa đạn. Ngay khi ra biên giới ông có các ca khúc như: “Điểm tựa”, “Thề quét sạch quân thù trên đất nước ta” và sau này là “Nơi anh đứng” cùng một số ca khúc khác. Hiện thực sinh động của cuộc chiến bảo vệ biên giới đã thôi thúc ông sáng tác để chính ông hát cho chiến sĩ nghe. Cuộc chiến đã biến một ca sĩ, một nhạc công thành một nhạc sĩ tài hoa sau này.

Đoàn văn công xung kích Quảng Ninh tại biên giới năm 1979.
Đoàn văn công xung kích Quảng Ninh tại biên giới năm 1979. Ảnh: Trương Thái.

Nghệ sĩ yêu hòa bình

Những nghệ sĩ vừa kể đều thuộc biên chế của các đoàn nghệ thuật chính quy. Quảng Ninh còn có 1 đoàn văn công xung kích bán chuyên nghiệp khác của thanh niên. Nghệ sĩ Văn Anh, hiện ở ngõ 2, phường Cao Xanh (TP Hạ Long), từng là thành viên của đoàn, nhớ lại:  "Ngay khi chiến tranh biên giới nổ ra, Tỉnh đoàn xây dựng 1 đoàn văn công xung kích gồm thanh niên là các hạt nhân văn nghệ của các cơ quan xí nghiệp nhà máy lên đường ra biên giới. Đoàn chúng tôi có 18 người. Tôi đang là công nhân Nhà máy Cơ khí Hòn Gai thành viên của đội văn nghệ trong đơn vị thì được chọn tham gia đoàn này. Trưởng đoàn là nhạc sĩ Huy Đô người bên Tỉnh đoàn. Còn lại gần như mỗi người đến từ một đơn vị. Đoàn lúc đó có Thúy Hơn, Thanh Kim, Biên Hòa, Thanh Hòa, Xuân Tứ, Văn Anh...".

Tôi đưa cho nghệ sĩ Văn Anh xem một bức ảnh tư liệu của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Thái. Ông rưng rưng bảo với vợ rằng: "Bà xem, chính tôi đây chứ ai. 40 năm rồi mới tìm lại được ảnh. Hồi ấy trẻ quá. Hăng hái lắm".

Những kỷ niệm không phai mờ của 40 năm trước như ùa về trong tâm trí người nghệ sĩ. Ông Văn Anh kể, tháng 2/1979, đoàn lên đường chỉ có cây đàn, 1 cái túi vải, cả nhóm 18 người có mỗi 1 khẩu súng cũ của nhạc sĩ Huy Đô. Ra biên giới, bộ đội quý văn công và cũng lo sợ cho sự an toàn của văn công nên lúc nào cũng phải bảo vệ.

Đoàn văn công xung kích trên đường đi biểu diễn tại Bình Liêu.
Đoàn văn công xung kích trên đường đi biểu diễn tại Bình Liêu. Ảnh: Trương Thái.

Tối đầu tiên chúng tôi ra thẳng Móng Cái hát ngay trên cầu Bắc Luân cho anh em chiến sĩ gác cầu nghe. Một chiến sĩ công an đi theo bảo vệ chúng tôi bị địch từ bên kia biên giới đâm trọng thương ngay trong đêm đó. Nhiều nghệ sĩ đã hát trong nước mắt vì xót thương bộ đội- nghệ sĩ Văn Anh kể tiếp.

Ông Văn Anh chia sẻ: Chúng tôi không sợ khó khăn gian khổ, thậm chí hy sinh. Bộ đội có mặt ở đâu chúng tôi ở đó.

Theo lời kể của ông Văn Anh, đoàn hát ở bất cứ đâu có bộ đội. Hát trên chốt hát trên cầu, hát bên bờ suối chỉ cách họng súng của quân thù vài chục mét. Hát ở chỗ đất trống hát ở doanh trại quân đội, hát khi quân đội vừa hành quân chiến đấu về. Mỗi đêm biểu diễn ở đơn vị, ở xã là bộ đội và dân bản lại kéo về xem không đủ chỗ ngồi.

Nàng Sita Thanh Mai của
Nàng Sita Thanh Mai của "anh chàng đại úy" Đức Hồng. Ảnh: NSƯT Thanh Mai cung cấp.

Nghệ sĩ Văn Anh cất giọng hát cho tôi nghe những bài hát xưa cũ không quên lời bất cứ bài nào. Nào là “Cây đàn ghi ta của Victohana”, “Anh quân bưu vui tính”, “Thắm hoa núi rừng” rồi đến “Takaano –Nhân chứng quả cảm” v.v. Toàn là những bài hát cách mạng sục sôi khí thế chiến đấu, yêu hòa bình, căm ghét chiến tranh.

Đối với ông Văn Anh và đồng đội những ngày đầu năm 1979 không thể phai mờ trong tâm trí, là tháng ngày đẹp nhất trong đời nghệ sĩ của ông. Ở đó có khó khăn gian khổ nhưng ấm áp nghĩa tình. Tình nghĩa quân dân cá nước, tình nghĩa chiến sĩ và nghệ sĩ. Bộ đội, dân bản và nghệ sĩ yêu thương gắn bó với nhau như người một nhà. Họ đã hát cho nhau nghe, chia sẻ gian khó với nhau như thể chưa có chiến tranh, chưa có đổ máu, hy sinh.

Những mối tình nghệ sĩ- chiến sĩ

Chiến tranh gian khổ như vậy nhưng người nghệ sĩ vẫn lạc quan yêu đời, yêu người. Chiến tranh vẫn không thể giết chết được tình yêu. Nghệ sĩ Ưu tú Trọng Bình kể:  Năm đó đoàn mang đi biểu diễn nhiều vở như Lưu Bình- Dương Lễ, Sóng Bạch Đằng, Nàng Si ta. Trong đó nhân vật nàng Sita do nghệ sĩ Thanh Mai thủ vai đã được nhiều chiến sĩ, khán giả vùng biên nhớ mãi. Chính những ngày tháng gian khổ đó đã mang đến cho Thanh Mai một nửa cuộc đời mình. Mối tình giữa cô nghệ sĩ chèo với vai diễn nàng Sita (trong vở chèo cùng tên) đã nảy nở cùng đại úy Nguyễn Đức Hồng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 769.

Cặp đôi Đỗ Hòa An- Bích Hòa thời trẻ.
Cặp đôi Đỗ Hòa An- Bích Hòa thời trẻ.

Đến tận bây giờ, giới nghệ sĩ sân khấu Quảng Ninh vẫn nhắc đến mối tình đẹp đẽ đó: "Nàng Sita đã kết duyên cùng anh chàng đại úy". Còn đối với nghệ sĩ Thanh Mai, chàng đại úy dù không còn nữa nhưng vẫn luôn ở trong tâm trí bà cùng với những năm tháng đẹp đẽ và sôi nổi nhất của đời người con gái.

Ngoài cặp đôi Đức Hồng- Thanh Mai còn có nhiều mối tình vợ chồng nghệ sĩ khác gắn bó với biên giới, chiến hào như: Cặp đôi ca sĩ Đỗ Văn Đồng (nhạc sĩ Đỗ Hòa An sau này)- Bích Hòa, cặp đôi nghệ sĩ múa Thanh Ngân- Thanh Du, cặp nghệ sĩ chèo Đinh Quảng - Bích Hạnh.

Nhạc sĩ Đỗ Hòa An kể, lúc đó các nghệ sĩ diễn đều xác định mình là chiến sĩ nên biểu diễn cho bộ đội cũng vì cái tình đồng đội. Việc có những cặp đôi yêu nhau sát cánh biểu diễn bên chiến hào càng làm cho cuộc sống thêm thi vị, các tiết mục biểu diễn thêm thăng hoa. Chẳng ai nghĩ đến chuyện cá nhân riêng tư, tất cả đều quên mình cho cái chung, cho ngày chiến thắng, cho hòa bình.

Huỳnh Đăng

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu