4
18
/
855443
"Lá chắn xanh" nơi cửa biển
longform
"Lá chắn xanh" nơi cửa biển

 

 

Giẫm nhè nhẹ lên những thảm lá mục màu nâu vàng giữa cánh rừng bạt ngàn, có lẽ, không nơi đâu cho chúng tôi cảm giác thanh bình, êm ả, trong lành như khi hòa mình vào rừng ngập mặn Đồng Rui (Tiên Yên). Rừng ngập mặn ở đây trải rộng với diện tích trên 2.270ha, như bức tường xanh khổng lồ bảo vệ hơn 30km bờ biển; đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của hàng nghìn người dân...

 

Tháng 12 thời tiết bắt đầu se se lạnh, dường như vì thế thủy triều cũng dữ dằn và mạnh hơn. Nhưng đi giữa rừng ngập mặn Đồng Rui, ngắm những tán lá rừng xanh mướt ngút ngàn cảm nhận bình minh ở đây sao bình yên quá đỗi.

Khoảng thời gian yên ả ấy được khuấy động khi tiếng bước chân, tiếng nói cười của những người hành nghề bắt vạng, ngán, ốc... rảo bước trên đê. Đoạn đê biển dài vài chục km, nhìn xuống là con lạch dẫn ra cửa biển đã trở thành điểm tập kết hằng ngày của người dân xã Đồng Rui. Mọi người ngồi trên mặt đê, tiếng gọi nhau rộn rã như chợ phiên. Khi đã tìm đủ thành viên, từng tốp tỏa xuống cánh rừng dưới chân đê bắt đầu một ngày lao động.

3 tiếng đồng hồ trong rừng ngập mặn quả là những trải nghiệm thú vị với chúng tôi - những người lần đầu tiên thử nghiệm nghề bắt vạng, ốc... dưới cánh rừng ngập mặn, dầm chân trong lớp bùn lép nhép, xung quanh là những cây sú, cây vẹt... ken dầy chằng chịt. Rừng ở đây góp phần cố định phù sa để tạo nên các bãi bồi mới, làm vườn ươm và cung cấp thức ăn cho các loài thủy sinh, đồng thời đóng vai trò cân bằng sinh thái của khu vực.

Hành trang của một người bắt vạng, ốc gồm đôi ủng dành riêng cho người đi biển, một chiếc xô và đôi bao tay để chống lại những mảnh hàu, mảnh ngao sắc lẹm, những cành cây đổ gẫy trong rừng và cả những con muỗi rừng nữa...

Theo chân một nhóm người bắt vạng ở thôn Hạ, chúng tôi biết được nhiều điều về biển, về rừng và nỗi niềm của họ. Nhờ có hệ thống rừng ngập mặn mà đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Toàn xã có hàng trăm người sống nhờ vào rừng ngập mặn nơi đây. Họ tranh thủ sau những buổi buôn bán cá khi tàu về, hoặc lúc nông nhàn để ra rừng ngập mặn bắt cua, bắt ốc... trung bình một ngày cũng cho thu nhập 150.000-200.000 đồng.

Là người “ăn sóng, nói gió”, chị Nguyễn Thị Thấm (thôn Hạ, xã Đồng Rui) thuộc vanh vách lịch lên, xuống của con nước. Theo từng ngày, những người khai thác hải sản thủ công có lúc phải thức dậy từ 3h; nhưng có hôm nước chậm, thủy triều rút vào lúc mặt trời đứng ngọn tre, họ mới bắt đầu một ngày khai thác ngao, tôm, cua, cá... cho đến khi những thân cây sú, cây vẹt chìm trong biển nước.

Chị Thấm được mọi người ca ngợi hết lời với biệt tài bắt ngán rất giỏi, chị nói: Đi nhiều thì nhớ, làm nhiều thì quen, cũng vì cuộc sống gia đình, muốn các con ăn học đến nơi đến chốn mà phải thức khuya, dậy sớm chứ trông vào mấy sào lúa thì chẳng đủ ăn. Công việc này chỉ cần không ốm đau, hằng ngày đi biển cũng đủ trang trải sinh hoạt trong gia đình. Những hôm bắt được ngán ít cũng kiếm được 300.000-400.000 đồng, ngày nhiều thì được khoảng 700.000 đồng.

“Đi bãi” là cách gọi của người dân nơi đây khi nói về những người khai thác thủy sản ở rừng ngập mặn. Họ thông thuộc từng lối mòn, khoảng rừng, khéo léo như chú rái cá, chẳng mấy chốc, từng chiếc xô, chậu nặng dần những con vạng, con ốc... Công việc này đã rèn cho họ sự tinh nhanh, dứt khoát hơn với đôi tay liên tục sục sạo dưới lớp bùn.

Theo chị Thấm, bắt vạng thì dễ chứ con cáy bò rất nhanh. Khi thấy động, nó sẽ chui ngay vào lỗ hoặc trèo lên thân cây, lẩn vào trong lớp lá, nếu không nhanh thì không thể bắt được. Màu sắc của chúng cũng giống với màu lá cây khô, bùn đất nên rất khó phát hiện, phải chú ý đến đôi còng màu đỏ rất đặc trưng của nó. Nếu không mang bao tay mà bị còng cắp thì đau điếng chẳng khác nào ong đốt...

Theo sát những người bắt vạng, ốc, cáy trong cánh rừng Đồng Rui, nhìn họ mải mê bắt thủy sản trong bộ quần áo nhuộm bùn đất ướt nhèm, chúng tôi càng thấu hiểu nỗi vất vả của họ. Chị Đoàn Thị Tính (cũng ở thôn Hạ) đã gắn bó với cái nghề bắt vạng hơn 30 năm nay, giãi bày: Rừng ngập mặn ở đây như bức tường xanh, lá chắn xanh bảo vệ đê biển, ngăn bão, sóng thần... Không những vậy, nó là nguồn lợi vô tận cho cuộc sống dân cư ven biển - nơi trú ngụ, sinh sản của muôn loài thủy hải sản. Nhưng chúng tôi cũng ý thức được rằng khai thác phải đi đôi với bảo tồn thì mới bền vững được. Hàng ngày tôi bắt được 20-30kg vạng, nhưng chỉ khai thác những con đã trưởng thành chứ không bắt những con nhỏ, ảnh hưởng đến nguồn lợi. Những người khai thác thủy sản tự nhiên nơi tán rừng sú, vẹt như chúng tôi cũng ý thức sâu sắc về việc bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, phát hiện và ngăn chặn những hành vi tàn phá thiên nhiên của vùng lõi, góp phần giữ gìn, bảo tồn rừng.


Lợi ích từ rừng ngập mặn hẳn ai cũng thấy rõ, không chỉ là nơi cung cấp nguồn lợi thuỷ hải sản tự nhiên, chống xói mòn, giữ đất phù sa, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân, mà còn là “lá chắn xanh” bảo vệ đê, chắn sóng, bão gió. Vậy mà những năm 90 của thế kỷ trước, từ sự buông lỏng quản lý của cấp chính quyền cơ sở mà hàng nghìn ha rừng ngập mặn bị tàn phá vì các mục đích khác nhau, như đắp đầm nuôi trồng thủy sản, khai thác cây làm củi đun, đẽo vỏ cây làm lưới chài...

Thôn xóm vốn bình yên bỗng ồn ào giống như những công trường vì tiếng chặt phá, tiếng máy đào lật tung những bãi rừng để làm đầm. Những người dân vốn yêu rừng chỉ còn biết đứng nhìn thân cây ngập mặn đổ xuống, bao nhiêu nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học tan hoang theo từng gàu máy xúc...

Những con đê chắn sóng của Đồng Rui vốn mỏng manh vì trước đây dựa vào vành đai chắn sóng là những cánh rừng ngập mặn trở nên bất lực trước các đợt triều cường. Những con sóng hung dữ tràn vào trắng xóa, làm hỏng hàng trăm ha ruộng canh tác của xã... Sau những năm mất mùa, thất bát, tôm chết hàng loạt do ô nhiễm môi trường, kéo theo những khoản nợ chồng chất, các chủ đầm cũng bỏ đấy, chỉ còn lại những ô đầm trơ trọi. Trong một thời gian ngắn, có tới 1.700ha rừng ngập mặn đã bị tàn phá.

Nhận thấy quá nhiều thiệt hại khi không có rừng ngập mặn... xã Đồng Rui đã kịp thời dừng chủ trương cấp đất làm đầm. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời của tỉnh, huyện và các ngành liên quan; sự quan tâm giúp đỡ tài trợ của các tổ chức quốc tế phi chính phủ, các cơ quan, như: Tổ chức KVT (Hà Lan), ACTMANG (Nhật Bản), Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Cục Môi trường (Bộ TN&MT)... nhiều ha rừng ngập mặn ở Đồng Rui đã dần hồi phục. Đặc biệt, Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Chương trình FGP-PTF (EC/UNDP) đã phối hợp, cử nhiều đoàn chuyên gia, cán bộ, các nhà khoa học, dành nhiều thời gian nghiên cứu, hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật, trồng mới hàng trăm ha rừng ngập mặn ở Đồng Rui. Xã cũng xây dựng quy chế bảo vệ rừng, hỗ trợ người dân phát triển than tổ ong, giảm thiểu việc khai thác rừng làm chất đốt.

Từ năm 2003, xã Đồng Rui có chủ trương bảo vệ rừng ngập mặn, được thể hiện trong nghị quyết của Đảng uỷ, HĐND, trong chương trình công tác của UBND và 4 thôn trong xã. Xã thành lập Ban Quản lý rừng ngập mặn, 4 thôn có 4 ban quản lý. Mỗi ban có quy chế làm việc rõ ràng, được quy định tới từng thành viên. Đáng chú ý là quy chế khuyến khích bà con tích cực tuần tra bảo vệ rừng ngập mặn. Người nào phát hiện có kẻ phá rừng báo ban quản lý của thôn, được hưởng 50% số tiền mà kẻ phá rừng phải nộp phạt.

Chị Nguyễn Hồng Lợi (thôn Trung, xã Đồng Rui) chia sẻ: Thấm thía những tác hại khi rừng ngập mặn bị tàn phá, bản thân người dân chúng tôi giờ đây luôn ý thức được việc bảo vệ rừng vì đó là bảo vệ làng xóm, bảo vệ nhà cửa của người dân khỏi bị ảnh hưởng bởi sóng to, gió bão... Không chỉ tham gia trồng rừng mà khai thác thủy sản cũng theo hướng bảo tồn, không khai thác những con có kích cỡ quá nhỏ.

Ông Đoàn Văn Tuyến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Rui cho biết: Trước đây, nhiều người phá rừng nuôi tôm là chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài. Nay thì ai cũng nhận ra việc phá rừng tác hại như thế nào đến đời sống, nên người dân đã thay đổi suy nghĩ. Ý thức về việc bảo vệ rừng ngập mặn được nâng lên rất nhiều.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, huyện và các tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ cho bà con nhân dân xã Đồng Rui phát triển rừng ngập mặn, diện tích rừng ngày càng được tăng thêm. Riêng năm 2018, tổ chức ACTMANG đã hỗ trợ cho nhân dân xã Đồng Rui trồng thêm 33ha, nâng tổng diện tích rừng ngập mặn của xã đến nay là 2.270ha. Rừng ngập mặn nơi đây đã dần được phục hồi...

 

Một ngày ở rừng ngập mặn xã Đồng Rui nhanh như bước chân người bắt vạng, bắt ngán... họ tất tả trong guồng quay mưu sinh. 14h, giọng nói từ khắp các ngả rừng ùa về trên triền đê, chúng tôi biết, hành trình mưu sinh nơi cánh rừng ngập mặn sắp kết thúc. Nhìn đôi mắt họ trũng sâu vì thức khuya, dậy sớm, nhưng vẫn ánh lên nụ cười như xua đi sự mệt mỏi trong mỗi người. Thành quả sau một ngày của họ là những bao vạng, ốc đầy ắp. Trên con đường đê, câu chuyện về cuộc sống mưu sinh và bảo vệ rừng ngập mặn lại vang lên với những tiếng cười giòn tan nơi cửa biển...

Bài, ảnh: Thu Trang - Lương Giang

Trình bày: Tất Đạt

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu