4
18
/
845185
Bài 2: Để không còn những cuộc "giải cứu"...
longform
Bài 2: Để không còn những cuộc "giải cứu"...

 

Xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chính quyền vẫn còn tư duy làm kinh tế theo phong trào, hình thức, thiếu tính thực tế; doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm thiếu năng lực, chưa trách nhiệm với những cam kết của mình; người dân thì ồ ạt phát triển các mô hình mà thiếu sự tính toán... đã dẫn đến thực trạng nhiều nông sản hiện nay ở Tiên Yên lâm vào cảnh "khủng hoảng thừa".

 

Vì sao lại xảy ra những câu chuyện đáng tiếc đối với nông sản trên địa bàn huyện Tiên Yên thời gian qua, khiến cho người nông dân rơi vào tình cảnh điêu đứng?

Việc hàng chục ha cây chanh đào của người dân xã Hà Lâu phải để quả chín rụng đầy gốc đã cho thấy Công ty Trường Xuân không có năng lực. Doanh nghiệp này đã gần như "mất tích" kể từ sau khi hoàn thành khâu bán cây giống cho người dân. Trong suốt quá trình triển khai dự án, Công ty Trường Xuân không hề đầu tư dây chuyền thiết bị, nhà xưởng để triển khai việc chiết xuất tinh dầu chanh như ý tưởng ban đầu của dự án. Đơn vị cũng chưa một lần chính thức làm việc với chính quyền và người dân xã Hà Lâu về phương án thu mua, tiêu thụ sản phẩm khi vào vụ thu hoạch. Đã nhiều lần huyện Tiên Yên mời Công ty Trường Xuân đến làm việc song văn phòng công ty (có địa chỉ tại thị trấn Tiên Yên) luôn trong tình trạng đóng cửa, người đại diện công ty không có hồi âm.

Đối với Công ty Đông Bắc, mặc dù cam kết thu mua 100% sản phẩm dược liệu (cả ở dạng tươi và khô) song trong suốt quá trình triển khai, doanh nghiệp không chủ động xây dựng các công trình cần thiết là nhà kho, nhà kính và thiết bị sấy để chứa, chế biến, bảo quản sản phẩm... Chính vì vậy, mặc dù vào giữa mùa thu hoạch, song Công ty chỉ thu mua nhỏ giọt, cầm chừng, thậm chí ngừng thu mua trong khi người dân buộc phải thu hoạch tập trung để bảo vệ cây. Từ đầu năm 2018 đến nay, người dân Yên Than còn có sản phẩm dược liệu đã được sấy khô (do huyện đầu tư hệ thống sấy) tuy nhiên số lượng Công ty Đông Bắc thu mua cũng chỉ chiếm khoảng 1/4 sản lượng làm ra.

Bên cạnh sự thiếu năng lực, trách nhiệm của doanh nghiệp thì chính quyền địa phương cũng chưa thực sự làm tốt vai trò đánh giá, lựa chọn, kết nối, đưa doanh nghiệp có năng lực, thiện chí đến với người dân.

Đối với trường hợp Công ty Trường Xuân, đến nay thông tin mà huyện Tiên Yên có chỉ là doanh nghiệp trực thuộc một công ty “mẹ” tại tỉnh Thái Bình và từng có một dây chuyền chế biến chanh đào (quy mô 2ha) tại huyện Hải Hà. Hay như đối với Công ty Đông Bắc, huyện Tiên Yên cũng thiếu sự giám sát, không có cơ chế ràng buộc doanh nghiệp phải chuẩn bị điều kiện về trang thiết bị để thực hiện cam kết của mình. Chưa kể là huyện đã khá vội vàng khi "giao" nông dân cho doanh nghiệp mà chưa thực hiện các bước thẩm định, chưa có những quy định mang tính pháp lý để ràng buộc trách nhiệm giữa doanh nghiệp đối với người dân nên khi doanh nghiệp không thực hiện cam kết cũng chẳng có chế tài gì để xử lý.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch phát triển các vùng nông sản của huyện Tiên Yên còn chưa bám sát thực tế. Ví dụ, đối với quả chanh đào, loại nông sản khá kén đầu ra song lại từng được quy hoạch lên đến con số không tưởng, là 1.500ha. Hay như cây dong riềng, chỉ trong năm 2017, toàn huyện đã nhân rộng được 170ha, gấp 2 lần so với diện tích đã có, trong khi đó diện tích được Công ty Bình Liêu cam kết bao tiêu sản phẩm chỉ là 100ha.

Thêm vào đó, nhiều địa phương tham gia dự án chưa chú trọng đảm bảo chất lượng, số lượng sản phẩm theo đặt hàng của doanh nghiệp. Cụ thể, hầu hết các đơn vị đều để dân trồng tập trung vào cây dược liệu dây thìa canh mà giảm thiểu cây cà gai leo, trong khi doanh nghiệp yêu cầu thu mua song song cả 2 loại dược liệu này. Riêng xã Hà Lâu không dành nguồn lực để xây dựng công trình nước tưới tiêu cho vùng cây dược liệu trên địa bàn, dẫn đến chất lượng cây kém phát triển...

 

Theo ông Vũ Thành Long, Trưởng Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh, để đảm bảo sự phát triển hiệu quả, bền vững cho bất cứ mô hình sản xuất nông nghiệp nào, vẫn không có cách nào khác là phải giải quyết tốt bài toán đầu ra cho sản phẩm. Đây là yếu tố sống còn để giúp cho người dân không phụ thuộc vào doanh nghiệp, không rơi vào thế bị động khi doanh nghiệp, thị trường phát sinh những yếu tố bất lợi. Muốn vậy sản phẩm trước tiên phải đảm bảo được chất lượng, có tính khác biệt, đồng thời phải được sơ chế ban đầu để có thể bảo quản trong thời gian lâu dài. Các đơn vị sản xuất, địa phương và chính mỗi người dân, ngoài doanh nghiệp ký kết hợp tác cần xây dựng những đơn vị tiêu thụ vệ tinh để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cũng cần làm tốt khâu quy hoạch, trong đó bám sát tình hình thực tế, đánh giá đúng xu hướng phát triển để có thể đưa ra những kế hoạch, chiến lược phát triển đúng đắn, tránh tình trạng khủng hoảng thừa.

Có thể thấy rằng đã đến lúc huyện Tiên Yên nên đánh giá, hoạch định lại chiến lược phát triển một số dự án nông sản trọng điểm trên địa bàn. Trong đó, đối với cây chanh đào, nếu không xử lý được bài toán đầu ra cho sản phẩm cũng phải tính tới giải pháp phá bỏ. Vì thực tế hiện nay, người dân tham gia dự án không phải không mất gì ngoài đất và công trồng (như nhận định của xã Hà Lâu), mà thực ra mất nhiều, không chỉ là ngày công lao động mà còn lãng phí thời gian, đất đai, ảnh hưởng tới kế hoạch nâng cao hệ số sử dụng, giá trị trên diện tích canh tác.

Đối với dự án dược liệu, ông Trương Công Ngàn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên thừa nhận, định hướng phát triển cây dược liệu của huyện Tiên Yên là phù hợp, khai thác được lợi thế về địa chất, khí hậu trên địa bàn. Tuy nhiên, cần phải phát triển đa dạng các loại cây, không chỉ cân đối diện tích cây cà gai leo và dây thìa canh như đặt hàng của Công ty Đông Bắc, mà nên tập trung vào các giống cây dược liệu bản địa, vốn có nhiều lợi thế như: Khôi nhung, dành dành khe, xả, diệp hạ châu, gừng, nghệ, xấu hổ... và chú trọng vào khâu chế biến thô, tạo ra những sản phẩm nguyên liệu có thể lưu giữ được trong thời gian dài, nhằm cung cấp cho khách hàng khi cần. 

Riêng đối với việc phát triển cây dong riềng, mặc dù diện tích thực tế hiện nay còn thấp hơn rất nhiều so với quy hoạch (200/800ha), tuy nhiên chưa nên ồ ạt mở rộng. Bên cạnh đó, chính quyền huyện Tiên Yên và doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm cũng cần thống nhất để đưa giá thu mua củ dong sát với thị trường (hiện đang cao hơn gấp 2 lần). Bản thân doanh nghiệp cần thắt chặt quản lý chi phí đầu vào nhằm giảm giá thành bán ra của sản phẩm, khắc phục tình trạng giá miến dong đang cao hơn nhiều so với mặt bằng chung, dẫn tới không bền vững. Theo tính toán của các cơ sở sản xuất thủ công, hiện hoàn toàn có thể giảm chi phí sản xuất miến dong xuống 30-50% mà vẫn có lãi.

Từ thực tế của Tiên Yên cho thấy, việc sản xuất nông nghiệp theo kiểu phong trào, chỉ quan tâm đến diện tích mà không có đầu ra ổn định, không có tính dự báo về thị trường và thiếu cơ chế ràng buộc với doanh nghiệp sẽ dẫn tới hệ quả tất yếu là phát triển quá nhanh, nóng, thiếu bền vững và cuối cùng người nhận thua thiệt vẫn là nông dân.

Bài, ảnh: Việt Hoa - Hoàng Nga

Trình bày: Hải Anh

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu