4
18
/
830183
Phát huy vai trò tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngành than: Quyết tâm đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp
longform
Phát huy vai trò tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngành than: Quyết tâm đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp

 

 

Tái cơ cấu doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh được TKV coi là nhiệm vụ sống còn trong tình hình mới. Mục tiêu là nhằm xây dựng TKV thành Tập đoàn kinh tế mạnh, có trình độ công nghệ, mô hình quản trị theo hướng hiện đại và chuyên môn hoá cao; cơ cấu tổ chức gọn, hợp lý; nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo đáp ứng nhu cầu than sản xuất trong nước cho các ngành kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn - Trưởng Ban chỉ đạo Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2017-2020 khẳng định: Các cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo vấn đề này và nhất thiết phải nhận thức xuyên suốt, tư tưởng phải thông, việc thực hiện tái cơ cấu là vì sự nghiệp phát triển bền vững ngành Than - Khoáng sản Việt Nam.

Nhiều năm trước, cũng giống như một số tổng công ty, tập đoàn kinh tế khác, ngành Than rơi vào tình trạng “bùng nổ” các công ty, xí nghiệp, những đơn vị không trực tiếp sản xuất than, chỉ sống dựa vào hòn than, thậm chí có những đơn vị chẳng dính dáng gì tới than cũng được thành lập, kéo theo số lượng lớn lao động gián tiếp. Tính đến thời điểm cuối năm 2016, TKV vẫn còn 11 vạn lao động, riêng tại Quảng Ninh khoảng 8 vạn. Với tổ chức cồng kềnh, TKV phải gánh nhiều khoản chi phí để nuôi bộ máy đó.

Một thực tế khác, tuy số lượng lao động của ngành Than nhiều nhưng mất cân đối về cơ cấu: Thừa lao động quản lý và phụ trợ nhưng thiếu lao động trực tiếp sản xuất, đặc biệt là thợ lò, thợ bậc cao… Đây chính là những áp lực lớn làm tăng chi phí, giá thành sản xuất than, gây khó khăn cho TKV những năm gần đây.

Đứng trước tình hình đó, Đảng uỷ Tập đoàn đã xây dựng Kế hoạch thực hiện đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2017-2020 nhằm tái cơ cấu lại doanh nghiệp. Theo đó Tập đoàn đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc để triển khai Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2017-2020; thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc TKV; xây dựng lộ trình triển khai tái cơ cấu cho từng năm (từ 2018 đến 2020), đồng thời phê duyệt kế hoạch triển khai tái cơ cấu năm 2018; triển khai các thủ tục để cổ phần hóa công ty mẹ - TKV theo lộ trình trong năm 2019. Theo đó, từ năm 1998 đến nay, TKV đã cổ phần hóa được 61 doanh nghiệp các cấp trong toàn Tập đoàn, hoàn thành thoái vốn tại 5 công ty con, 6 công ty liên kết.

Nhằm tinh gọn bộ máy, giảm thiểu tối đa lao động phụ trợ, gián tiếp, TKV đã tiến hành sắp xếp lại doanh nghiệp, loại bỏ dần các công ty “cháu”, chuyển đổi 10 công ty TNHH MTV sản xuất than thành chi nhánh trực thuộc công ty mẹ - TKV; sáp nhập, hợp nhất, giải thể, sắp xếp, tổ chức lại 6 công ty và 4 ban quản lý; thoái vốn tại một số đơn vị. Cụ thể, sáp nhập Công ty Than Hồng Thái vào Công ty Than Uông Bí; Công ty Kho vận Hòn Gai sáp nhập vào Công ty Tuyển than Hòn Gai; Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả sắp xếp, tổ chức lại và đổi tên thành Công ty Kho vận Cẩm Phả; Công ty Chế biến than Quảng Ninh sắp xếp, tổ chức lại thành Công ty Cảng và Kinh doanh than; Công ty Xây dựng mỏ hầm lò 1 và Công ty Xây dựng mỏ hầm lò II hợp nhất thành Công ty Xây lắp mỏ; Công ty Tư vấn quản lý dự án chuyển thành Ban Quản lý dự án chuyên ngành mỏ than...

Theo ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, mục tiêu cơ bản của tái cơ cấu là tái cấu trúc quản trị nội bộ. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp. Vì thế TKV đã triển khai các biện pháp đồng bộ về quản trị nội bộ, kiện toàn mô hình quản lý, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp trong quản lý vốn đầu tư, áp dụng cơ giới hóa trong khai thác mỏ, hoàn thiện cơ chế quản lý về tăng năng suất, giảm giá thành, đổi mới và tái cơ cấu chất lượng lao động.

Chủ trương tái cơ cấu của TKV đã nhận được sự đồng thuận, quyết tâm cao trong toàn ngành. Từ Tập đoàn đến các đơn vị sản xuất kinh doanh than trực thuộc đang triển khai các biện pháp đồng bộ về quản trị nội bộ, kiện toàn mô hình quản lý, áp dụng cơ giới hóa trong khai thác mỏ, hoàn thiện cơ chế quản lý nhằm tăng năng suất, giảm giá thành, đổi mới và tái cơ cấu chất lượng lao động. Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên tập trung tái cơ cấu lực lượng lao động, thu hút lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; tổ chức lại sản xuất và sắp xếp lại lao động, tinh giản bộ máy lao động gián tiếp.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP Than Hà Lầm, cho biết: Thực hiện các giải pháp đồng bộ tái cơ cấu theo chỉ đạo của TKV, công ty đã tiến hành sắp xếp lại bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu quả tại các phòng, ban nhằm đạt được chất lượng quản lý tốt nhất. Các công trường, phân xưởng thì huy động nguồn lực xã hội hóa, giảm bớt lao động phụ trợ để đảm bảo bộ máy gọn nhẹ mà hoạt động có hiệu quả.

Còn với Công ty Than Uông Bí, ông Nguyễn Văn Yên, Giám đốc công ty chia sẻ, sau khi sáp nhập, công tác tổ chức, sắp xếp, bố trí lao động đã dần đi vào ổn định. Công ty đã giảm đầu mối, tiết kiệm tối đa nhân lực và các chi phí về quản lý, chi phí thuế tài nguyên, chi phí phục vụ phụ trợ...

Song song với tái cấu trúc nội bộ, TKV còn tập trung tái cơ cấu lực lượng lao động, thu hút lao động có tài năng, tay nghề, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; tổ chức lại sản xuất và sắp xếp lại lao động, tinh giản bộ máy lao động gián tiếp. Kết quả từ năm 2012 đến nay, TKV đã giảm được xấp xỉ 20.000 lao động (trong 5 năm giảm 16% tổng số lao động của toàn Tập đoàn). Tính đến hết 31/12/2017 số lao động danh sách toàn Tập đoàn còn dưới 106.000 người, riêng năm 2017 tổng số lao động giảm khoảng 5.500 người, trong đó số lao động quản lý và phục vụ, phụ trợ giảm tuyệt đối là 3.315 người.

Theo Tổng Giám đốc Đặng Thanh Hải, mục tiêu cuối cùng của việc tái cấu trúc Tập đoàn là để tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, xây dựng TKV trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Đặng Nhung - Phạm Tăng

Trình bày: Tất Đạt

Bài 3: Xây dựng ngành Than trở thành tập đoàn kinh tế mạnh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu