4
18
/
830659
Nghề giáo viên mầm non
longform
Nghề giáo viên mầm non

 

 

Tất bật đón trẻ từ sáng sớm và trả trẻ khi trời đã sẩm tối, mỗi ngày của giáo viên mầm non trôi qua đều mệt nhoài với biết bao công việc. Với thời gian làm việc lên tới 10 tiếng, thậm chí 12 tiếng/ngày, các cô giáo mầm non không chỉ là người thầy, mà còn như một người mẹ, một nhân viên y tế, người bạn của mỗi trẻ.

Sáng nào cũng vậy (trừ chủ nhật), khi đồng hồ điểm 6 giờ 20 phút, chị Nguyễn Thị Thu Ngát, giáo viên mầm non ở nhóm lớp tư thục Hoa Sữa, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, đều phải có mặt tại lớp để mở cửa, dọn dẹp, vệ sinh phòng học cho thông thoáng rồi mới làm nhiệm vụ đón trẻ. Việc đón trẻ diễn ra trong khoảng 1 tiếng. Sau khi nhận trẻ, cô giáo Ngát lại xoay như chong chóng với việc cho trẻ ăn sáng. Cô chia sẻ: “Nhóm lớp tư thục Hoa Sữa hiện chỉ có 2 lớp, với 24 trẻ. Nhưng ở đây nhận những trẻ rất bé. Có trẻ 12 tháng đã tới lớp. Lớp nhà trẻ mà tôi đảm nhận chỉ có hơn chục trẻ nhưng toàn cháu bé, rất vất vả”.

Ở lớp nhà trẻ có độ tuổi nhỏ hơn, mặc dù chỉ có hơn chục bé, nhưng cô giáo Ngát vẫn cần sự hỗ trợ của nhân viên nấu ăn hoặc chủ nhóm lớp tư thục mỗi khi trẻ ăn, cho trẻ ngủ hay vệ sinh cho trẻ. Trẻ độ tuổi này hiếu động, chưa biết phục vụ bản thân, công việc của cô giáo Ngát vất vả hơn gấp nhiều lần so với giáo viên dạy các lớp lớn. Ngoài việc hướng dẫn các cháu vui chơi, cô giáo vừa phải làm vai trò của một người mẹ, từ cho ăn, uống thuốc đúng giờ, vệ sinh cá nhân cho bé cũng như lớp học...

Chị Trần Thúy Linh, Chủ nhóm lớp tư thục Hoa Sữa, cho biết: “Với những bé mới đến lớp, cô Ngát phải mất 1 tuần, 2 tuần, thậm chí cả tháng để dỗ dành, bế ẵm để trẻ làm quen với môi trường lớp học và những bạn mới. Chăm sóc, dạy dỗ trẻ vất vả thế nào chắc hẳn mỗi bậc phụ huynh đều thấm thía. Ở nhà, nhiều khi chỉ có mỗi một đứa con mà cũng khiến cả gia đình nhức đầu, mệt mỏi. Huống chi các giáo viên mầm non phải trông đến vài chục cháu”.

11 giờ trưa là đến giờ ăn của trẻ. Ở lớp lớn hơn (4-5 tuổi) do cô giáo Nguyễn Thị Hòa phụ trách, mặc dù trẻ đã biết tự lập hơn, nhưng giờ ăn vẫn rất nhốn nháo. Có trẻ 4 tuổi mà trông chỉ bé như trẻ 3 tuổi, thường xuyên bị nôn, trớ khi ăn. Vì thế, mỗi bữa ăn, cô giáo Hòa cần phải có sự hỗ trợ của nhân viên nấu ăn. Cô chia sẻ: “Như hôm nay vô cùng vất vả. Mình đang cho trẻ ăn thì có một bé liên tục bị nôn. Trời lạnh, mình phải nhanh chóng vệ sinh, thay đồ cho trẻ đó. Khi các bạn đi ngủ hết, em ấy vẫn còn ngồi ăn một mình. Khi nào trẻ ăn xong, ngủ hết thì giáo viên chúng mình mới được đi ăn. Bữa trưa của mình thường diễn ra rất muộn, vào lúc 1 giờ. Thậm chí có những hôm 2 giờ, sau khi trẻ đã ngủ hết, các cô mới được ăn. Hầu như chúng mình không có thời gian ngủ trưa. Lúc mình ăn xong là nhiều trẻ đã dậy, lại phải vệ sinh, cho trẻ ăn bữa phụ, dạy học cho trẻ. Cứ như thế, công việc của mình ngày nào cũng kết thúc vào lúc 6 giờ tối, sau khi bố mẹ đón hết trẻ”.

Nhìn cảnh cô Ngát, cô Hòa vừa ăn vừa bế trẻ ngủ trên tay, trông các bé còn lại ngủ, chúng tôi cảm thấy vô cùng cảm thông. Chắc hẳn, khi nhìn được những hình ảnh ấy, mỗi phụ huynh sẽ có cái nhìn đồng cảm hơn đối với những người giáo viên mầm non.

Ngược lên vùng cao, đến Trường Mầm non Đại Dực, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, chúng tôi cảm nhận được những vất vả khác mà những giáo viên mầm non vùng thấp không phải trải qua. Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hường, nhà ở xã Đông Hải, huyện Tiên Yên, dạy ở điểm trường chính Trường Mầm non Đại Dực, chia sẻ: “Nhà tôi cách trường 15km nên 6 giờ 15 phút hằng ngày tôi đã đi làm. Đường lên xã Đại Dực ngoằn ngoèo, rất khó đi. Trước khi đến trường, tôi phải qua đón 2 trẻ sinh đôi tên là Chíu Thế Ngọc và Chíu Anh Tuấn (5 tuổi) ở thôn Phài Giác, xã Đại Dực. Bố các cháu thường xuyên ốm đau phải lên Hà Nội chữa trị, mẹ cháu bỏ đi khi hai cháu mới được 6 tháng tuổi. Hiện hai cháu ở với bà nội. Giáo viên mầm non nhà trường thay nhau đưa đón để các cháu có cơ hội đến trường như các bạn cùng trang lứa”.

Chúng tôi cảm nhận được ánh mắt, cử chỉ mà Chíu Thế Ngọc và Chíu Anh Tuấn dành cho cô giáo Hường rất thân thiết, trìu mến. Có vẻ như vì không có được tình thương yêu, sự chăm sóc của người mẹ nên hai bé dường như càng trân quý những tình cảm mà cô giáo Hường và những cô giáo mầm non khác ở đây dành cho mình.

Trường Mầm non Đại Dực hiện có 2 điểm trường. So với năm học 2017-2018, trường đã giảm 1 điểm trường lẻ. Ngôi trường vùng cao này hiện có 135 trẻ, với 6 nhóm lớp. Cô giáo Đào Thị Viền, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trước đây, khi chưa dồn ghép các điểm trường, Chíu Thế Ngọc và Chíu Anh Tuấn toàn tự đi bộ đến trường vì nhà cháu cách điểm lẻ cũ chỉ khoảng 500 mét. Nhưng năm nay, thực hiện dồn ghép, các cháu phải di chuyển xa hơn gần 3km. Gia đình hoàn cảnh khó khăn, không ai đưa đón, tôi đã dặn các cô giáo trong trường thay nhau đưa đón hai cháu. Ngoài 2 trẻ này thường xuyên được các cô giáo đưa đón, tại trường còn một số cháu thi thoảng bố mẹ bận nương rẫy cũng vẫn được các cô đưa đến trường”.

Trường Mầm non Đại Dực hiện có 11 giáo viên. Bên cạnh việc đưa đón, chăm sóc trẻ, những giáo viên mầm non vùng cao nơi đây còn phải gánh thêm một công việc rất vất vả nữa chính là vận động trẻ đến lớp. Trong khi đó, thu nhập của giáo viên mầm non xã vùng cao Đại Dực cũng không khác biệt so với các xã vùng thấp như Tiên Lãng, Đông Hải, Hải Lạng… vì từ tháng 5/2017, xã Đại Dực đã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn nên các cô giáo dạy tại trường không còn được hưởng các chế độ ưu đãi, thu hút như trước đây.

Cô giáo Lê Thị Dung, giáo viên Trường Mầm non Đại Dực, nói: “Vận động trẻ đến lớp thì vất vả lắm. Đầu năm học, ngoài thời gian lên lớp, cứ sẩm tối, chúng tôi lại đi bộ đến nhà trẻ để vận động phụ huynh cho con ra lớp. Dồn ghép điểm trường, khoảng cách từ nhà đến trường xa hơn nên nhiều phụ huynh không muốn con đi học”.

Theo Sở GD&ĐT, tính đến hết tháng 9/2018, toàn tỉnh có 6.140 giáo viên mầm non, trong đó công lập là 4.490 người, ngoài công lập là 1.650 người; với 2.348 biên chế, 3.792 hợp đồng. Thực tế thì thời gian qua, Trung ương cũng như tỉnh đã ban hành khá nhiều chính sách, cơ chế dành riêng cho giáo viên mầm non. Cụ thể, chính sách của Trung ương bao gồm: Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT ngày 25/10/2011 của Bộ GD&ĐT về quy định chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non; Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ về quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Nghị định 06/NĐ-CP ngày 5/1/2018 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non.

Riêng với Quảng Ninh, tỉnh cũng đang thực hiện một vài chính sách đặc thù dành cho giáo viên mầm non. Đó là Nghị quyết 60/2017/NQ-HĐND ngày 7/7/2017 của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí tổ chức dạy hè cho trẻ em mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở các xã trong danh mục đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Nghị quyết 94/2017/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 về việc thí điểm áp dụng một số chính sách đối với người làm việc theo chế độ hợp đồng tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Mặc dù đã được quan tâm, tuy nhiên, những giáo viên mầm non của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung vẫn gặp vô vàn khó khăn, áp lực, rất cần được thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông. Áp lực đến từ phụ huynh là một nỗi khổ chung của rất nhiều giáo viên mầm non. Rất nhiều giáo viên cho rằng không ít phụ huynh thiếu kiềm chế tỏ ra khó chịu khi trẻ bị té ngã hoặc bị bạn bè cấu, đánh. Ở một số trường, hệ thống camera được lắp ở trong lớp học, nơi phụ huynh có thể quan sát con và giáo viên. Điều này phần nào cũng tạo áp lực lên giáo viên mầm non vì các phụ huynh thường xuyên gọi điện, nhắn tin trách mắng.

Không chỉ vậy, ở một số trường học nằm ở trung tâm các thành phố, do cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên hạn chế, dẫn đến sĩ số trẻ/lớp học rất đông. Có lớp chỉ có 1 cô giáo nhưng phải trông, chăm sóc, dạy dỗ đến 40-50 trẻ, dẫn đến việc các cô giáo mầm non bị quá tải công việc. Theo đó, toàn tỉnh có đến 159 lớp chỉ bố trí được 1 giáo viên chăm lo cho trẻ, trong đó: Móng Cái có 49 lớp, Hoành Bồ 32 lớp, Hải Hà 21 lớp, Quảng Yên 19 lớp…

Vất vả là vậy nhưng thu nhập của giáo viên mầm non thì cũng chẳng đáng là bao. Nhiều giáo viên mầm non hợp đồng thu nhập chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng nhưng vì tình yêu với nghề, tình yêu với trẻ và cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác, họ vẫn gắng gượng tiếp tục gắn bó với công việc này. Mong rằng, mỗi bậc phụ huynh hãy trân quý hơn những cô giáo mầm non, thấu hiểu hơn những vất vả, khó khăn của họ, để những cô giáo ấy có thêm động lực, gắn bó với nghề, dành hết tâm huyết dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ.

Bài, ảnh: Lan Anh

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu