4
18
/
1101129
Mùa Xuân là Tết trồng cây
longform
Mùa Xuân là Tết trồng cây

Cover

Mùa xuân là tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng xuân. Những câu thơ ấy của Bác Hồ, đối với Quảng Ninh, chính động lực thúc đẩy quyết tâm cao độ của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng quân và dân toàn tỉnh trong thực hiện chiến lược phát triển rừng.

Cover

Trong một nhạc phẩm của mình, nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã viết rằng: Có một cây là có rừng. Và rừng sẽ lên xanh. Rừng giữ đất quê hương.

Xác định rất rõ vai trò, tác dụng của rừng, nhiều năm qua, bằng nhiều giải pháp, tỉnh Quảng Ninh đã lan toả tinh thần trồng cây gây rừng trong mọi tầng lớp nhân dân, mọi người, mọi nhà, mọi ngành nghề, đơn vị. Đây là nền tảng để Quảng Ninh lần lượt đạt các kết quả đáng mừng về rừng, như phủ xanh đất trống đồi núi trọc, làm giàu rừng, nâng độ che phủ rừng, đưa rừng thành ngành kinh tế giàu dư địa phát triển.

Hiện toàn tỉnh đang có trên 434.000ha rừng và đất lâm nghiệp, xếp thứ 18 toàn quốc, chiếm đến 70% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Độ che phủ rừng của Quảng Ninh đạt gần 55%, xếp thứ 14 toàn quốc. Rừng ngày càng được Quảng Ninh quan tâm đầu tư. Việc trồng cây gây rừng đã trở thành nét đẹp văn hoá, thành hành động đặc trưng của người Quảng Ninh.

Ảnh trong văn bản

Sáng ngày 15/2 (tức ngày mồng 6 tết âm lịch), hoà chung không khí cả nước, tỉnh Quảng Ninh tổ chức phát động Tết trồng cây. Lễ phát động cấp tỉnh diễn ra tại huyện Đầm Hà, còn các địa phương khác cũng đồng loạt tổ chức Tết trồng cây trên địa bàn.

Không có điều kiện tham gia các lễ phát động trên, đại gia đình anh Triệu Tiến Lộc (xã Tân Dân, TP Hạ Long) chủ động tập hợp anh em con cháu, cùng nhau lên rừng trồng thêm những cây lim xanh, giổi hạt, các loại cây dược liệu…trên khu rừng của mình.

Ảnh với chú thích

Rừng có tác dụng phòng hộ, bảo vệ cuộc sống con người.

Anh Lộc tâm sự: Hồi bố tôi còn sống, ông coi trọng những cánh rừng này lắm. Trong rừng có rất nhiều gỗ to, quý, nhiều người trả giá rất cao để có thể mua về nhưng bố tôi không bán. Ông bảo anh em tôi chỉ được phép trồng thêm chứ không đốn hạ. Muốn thu hoạch thì thu hoạch lâm sản phụ. Rừng tốt thì lâm sản phụ nhiều, không lo nghèo khó… 

Anh Triệu Tiến Lộc là con út của ông Triệu Tài Cao, người được đặt cho danh xưng “ông già giữ rừng, giữ của để dành”. Ông Cao có hơn 30ha rừng nhận khoanh nuôi, bảo vệ từ những năm 1990. Từ những khu rừng nghèo kiệt, dưới sự bảo vệ, chăm sóc của ông, những cây gỗ lớn được giữ lại, những tiểu khu trống, trọc được trồng mới, trồng bổ sung, lớp đất dưới tán rừng được trồng cây thuốc và các loại cây trồng ngắn ngày… khiến cho rừng phát triển tốt hơn, đa dạng và giàu có hơn.

Mùa xuân này bóng dáng ông Cao trong những khu rừng của mình không còn nữa, nhưng tình yêu với rừng, tinh thần trồng cây gây rừng, giữ màu xanh cho rừng của ông Cao vẫn được con cháu ông tiếp nối, phát huy, coi đó là truyền thống của gia đình.

Theo anh Hồ Ngọc Thuỷ, Chủ tịch UBND xã Tân Dân, anh Triệu Tiến Lộc và các con ông Cao hiện đều quản lý, bảo vệ diện tích rừng do cha mình giao lại rất tốt. Đời sống gia đình họ được đảm bảo thông qua các hoạt động khai thác lâm sản phụ, khai thác cây dược liệu trồng dưới tán rừng. Tới đây những khu rừng đẹp và quý như vậy còn có thể được xã quy hoạch phát triển kinh tế du lịch trải nghiệm rừng, tạo ra hướng phát triển kinh tế rừng giá trị cao và bền vững…

Ảnh với chú thích

Cây gỗ to trên rừng nhà anh Triệu Tiến Lộc.

Cùng với gia đình anh Triệu Tiến Lộc, khi sắc xuân còn tràn ngập trong không gian, rất nhiều các gia đình Quảng Ninh chọn cho mình việc trồng một cây xanh trong khuôn viên, trong vườn nhà, trồng cây trên ruộng vườn, đồi rừng nhà mình là công việc đầu tiên trong năm mới. Với họ, những cây non mơn mởn, sắc lá xanh tươi, chứa đựng bao điều ước vọng về một năm mới tốt đẹp, sinh sôi, phát triển, yên bình và hiền hoà. Còn ở các ngành, địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp, trường học… thì phát động các đợt cao điểm trồng cây đầu năm. Vì vậy mà Quảng Ninh nhân lên số lượng cây phân tán, nhân lên diện tích rừng sản xuất, rừng tự nhiên, qua đó đáp ứng các tiêu chí về cây xanh, về cảnh quan môi trường đô thị, nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu về tính năng phòng hộ, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế rừng, tạo kế sinh nhai, việc làm, thu nhập cho người dân.

Hiện nay, rừng của Quảng Ninh đã được giao cho gần 36.000 cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư làm chủ; giao cho 1 vườn quốc gia, 8 ban quản lý và 40 doanh nghiệp lâm nghiệp thực hiện nhiệm vụ chuyên trách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đây là nền tảng để rừng Quảng Ninh có chủ, đảm bảo rừng được chăm sóc, phát huy giá trị ngày càng cao hơn.

Ảnh trong văn bản

Từ tinh thần trồng cây gây rừng được lan toả, được thấm nhuần trong các tầng lớp nhân dân, trở thành truyền thống, thành hành động nhân văn, thành nét đẹp văn hoá, rừng của Quảng Ninh ngày càng được làm giàu. Điều này khiến dấu ấn của Quảng Ninh trong mắt bạn bè không chỉ là là trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế, là trung tâm công nghiệp xanh, trung tâm kinh tế biển, trung tâm nông nghiệp công nghệ cao… và còn là những cánh rừng xanh trên cạn, dưới nước ngút ngàn, rộng lớn và trù phú.

Ảnh với chú thích

Dải rừng giổi của người dân huyện Ba Chẽ.

Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: Tỉnh Quảng Ninh đã có những quyết sách rất kịp thời, trúng đúng trong đầu tư cho rừng, để rừng có giá trị như ngày hôm nay và có giá trị nhiều hơn cho mai sau.

Ngày 28/11/2019, Ban thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây được coi là nghị quyết chuyên đề về rừng đầu tiên của Quảng Ninh cũng là nghị quyết chuyên đề về rừng đầu tiên trong cả nước.

Theo ông Nguyễn Văn Bông, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cái hay của Nghị quyết 19 đó là đã xác định rất rõ mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên, đây là cái gốc để rừng có thể phát triển bền vững và giá trị cao, đưa rừng trở thành một lĩnh vực kinh tế mạnh mẽ và sôi động.

Ông Khiếu Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ cho biết: Là địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh, đồng thời kinh tế rừng chiếm ưu thế trọng yếu trong cơ cấu kinh tế của địa phương, chúng tôi nghiên cứu rất kỹ Nghị quyết 19 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển lâm nghiệp bền vững và thấy rằng Nghị quyết giải quyết những vấn đề căn cốt nhất để có thể phát triển rừng bền vững. Thực tế phải là rừng tự nhiên mới thuận lợi để phát triển cây gỗ lớn và cây bản địa, phải là rừng tự nhiên mới trồng được dược liệu, mới phát triển được kinh tế dưới tán rừng. Nền lâm nghiệp bền vững, giá trị cao phải bắt nguồn từ rừng tự nhiên được bảo vệ, rừng trồng trồng cây gỗ lớn và chế biến lâm sản phải là chế biến sâu.

Ảnh với chú thích

Rừng Trúc Bài Sơn đa tầng tán.

Có thể thấy, Nghị quyết 19 đã được cụ thể hoá hoặc được đẩy mạnh thông qua những chính sách rất thiết thực, như các chính về trồng rừng gỗ lớn, về chi trả dịch vụ môi trường rừng, về trồng rừng thay thế, về việc ưu tiên trồng các loại cây bản địa, đặc biệt là 3 loại cây lim, giổi, lát, về quy hoạch chế biến lâm sản theo hướng chuyên sâu…

Nghị quyết 337 của HĐND tỉnh ban hành ngày 24/3/2021 quy định về chính sách đặc thù trồng rừng gỗ lớn là một nghị quyết hiện thực hoá Nghị quyết 19 về phát triển lâm nghiệp bền vững của BTV Tỉnh uỷ. Nghị quyết 337, đã thúc đẩy người dân Ba chẽ, Hạ Long phát triển rừng gỗ lớn. Trong đó, huyện Ba Chẽ, trong 3 năm qua, gần 1.000 chủ rừng đã hưởng lợi, hình thành được trên 1.300ha rừng gỗ lớn; TP Hạ Long trên 1.000 hộ dân được hưởng lợi, hình thành thêm trên 1.700ha rừng gỗ lớn. Tinh thần của Nghị quyết 337 cũng khiến các địa phương trong tỉnh mạnh dạn chuyển hoá 10.000ha rừng gỗ keo từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn (từ 10 năm trở lên mới khai thác), qua đó nâng cao giá trị rừng trồng.

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản

Người dân thôn 9, xã Quảng Phong (huyện Hải Hà) với niềm vui khai thác thủy sản trong rừng ngập mặn.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của Quảng Ninh thực hiện theo tiến trình của trung ương, song được đẩy mạnh hơn khi tỉnh ban hành Nghị quyết 19 về phát triển lâm nghiệp bền vững. Đến nay, kinh phí thu được từ dịch vụ chi trả môi trường rừng toàn tỉnh là khoảng gần 6 tỷ đồng/năm, khả năng sẽ đạt cao đến hàng chục tỷ đồng vào những năm tiếp theo. Đây là nguồn kinh phí sẽ cấp trở lại cho các chủ rừng đang khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên, đảm bảo cho các chủ rừng một nguồn thu đáng kể mà không phải tính đến chuyện khai thác rừng, qua đó yên tâm bảo vệ và phát triển vốn rừng.

Năm 2021, lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh đề ra mục tiêu trồng 5.000ha rừng lim, giổi, lát. Đây là 3 loại cây ưu thế trong rừng tự nhiên, cũng là loại gỗ lớn có giá trị kinh tế cao, riêng cây lim có thể coi là loài cây bản địa, từng phát triển rất tốt trên các dải rừng núi cao của tỉnh, đặc biệt là huyện Ba Chẽ và khu vực miền Đông. Từ các đợt phát động của tỉnh, người dân, doanh nghiệp, các đơn vị chuyên môn đều vào cuộc trồng lim, giổi, lát, đến nay toàn tỉnh có gần 3.500ha lim, giổi, lát tập trung. Riêng với cây lim, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên toàn quốc trồng tập trung trong diện tích rừng sản xuất. Kết quả này lần nữa khẳng định tính trúng đúng của Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh.

Ảnh trong văn bản

Từ những nỗ lực rất cao của tỉnh Quảng Ninh trong công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, Quảng Ninh có vốn rừng giàu có, giàu dư địa phát triển, bao gồm cả về rừng sản xuất và rừng tự nhiên. Vốn rừng này mang giá trị về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, với khả năng chống xói mòn, sạt lở đất đá, giữ và điều hoà nguồn nước, chắn sóng gió, tạo lượng khí oxy, làm sạch không khí, hình thành “lá phổi xanh” rộng lớn… tạo môi trường phát triển cho người dân và các hoạt động kinh tế xã hội trên toàn tỉnh. Rừng sản xuất mang về giá trị kinh tế, thông qua sản lượng gỗ khai thác và lâm sản ngoài gỗ, tạo nên thu nhập cho chủ rừng, đóng góp vào tăng trưởng ngành nông nghiệp, trở thành bệ đỡ cho nhiều ngành kinh tế phát triển.

Thực tế với hơn 270.000ha rừng sản xuất được phủ xanh, mang đến nguồn gỗ nguyên liệu cho các hoạt động chế biến lâm sản phục vụ nhu cầu dân dụng và sản xuất công nghiệp. Trong đó những diện tích rừng thông, rừng hồi, rừng quế được trồng từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh mang lại nguồn nguyên liệu quý cho công nghiệp chế xuất tùng hương và chế xuất hương liệu. Đây cũng là cơ sở để Quảng Ninh có Công ty CP Thông Quảng Ninh ngày càng lớn mạnh, trở thành đơn vị doanh nghiệp lâm nghiệp thuộc hàng lớn của toàn quốc.

Ảnh với chú thích

Hoa hồi mang lại nguồn thu cho người dân Bình Liêu.

Hơn 163.000ha rừng tự nhiên, đại đa phần trong đó là những dải rừng tự nhiên xanh ngắt, rộng lớn, ngút ngàn, độ đa dạng sinh học cao, đa tầng tán, nhiều loại động thực vật đặc hữu, bản địa quý hiếm. Ví như những cánh rừng ngập mặn với diện tích 19.300ha, cao nhất khu vực phía Bắc. Rừng trên cạn với những cánh rừng quý như rừng Đồng Sơn – Kỳ Thượng, rừng Quảng Nam Châu, rừng Trúc Bài Sơn, rừng Bái Tử Long, rừng Yên Tử… Đây là nền tảng để Quảng Ninh triển khai những loại hình kinh tế rừng, hướng tới những loại hình dịch vụ, du lịch rừng, kinh tế dưới tán rừng. 

Khu rừng Quốc gia Yên Tử với diện tích 2.783ha, là điển hình của hệ sinh thái động thực vật rừng phong phú, đa dạng. Riêng về thực vật, rừng Yên Tử bao gồm 5 ngành với 830 loại, trong đó có 20 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam, 6 loại thuộc nhóm bảo vệ nghiêm ngặt; có những loại thực vật đặc hữu quý hiếm như cây lim xanh, gụ lâu, sến mật, sú rừng. Ở rừng Yên Tử còn có những loài, cá thể cây rừng được cho gắn với câu chuyện tu hành đắc đạo của vị vua hoá phật, đức Phật hoàng Trần Nhân Tông như những cây xích tùng hàng trăm năm tuổi, những cây thông nhựa khổng lồ, những đại lão mai vàng, những cây đại cổ thụ…

Từ những giá trị rất riêng có của rừng Yên Tử góp phần tạo nên một vùng di tích, danh thắng Yên Tử linh thiêng và hùng vĩ, tạo nên một nét riêng, có sức hấp dẫn lạ kỳ, có ưu thế nổi trội để mời gọi, chào đón triệu triệu du khách đến với Yên Tử mỗi năm.

Ảnh với chú thích

Rừng Quốc gia Yên Tử bao quanh hệ thống di tích Yên Tử.

Ông Lê Trọng Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm cho biết: Rừng Yên Tử là vành đai bảo vệ di tích Yên Tử, là phần quan trọng của khối di sản Yên Tử, chứa trong mình những loài thực vật mang tính biểu tượng văn hoá. Rất may mắn là Tùng Lâm đang triển khai những hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản Yên Tử trong lòng vốn quý của rừng Yên Tử nói trên.

Đáng mừng là tới đây, rừng Quảng Ninh sẽ tiếp tục được đầu tư, được triển khai những chương trình, dự án trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng mạnh mẽ hơn, tạo nên sự chuyển đổi nhanh chóng và rõ nét hơn, làm giàu rừng hơn. Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: Trước mắt là Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh về việc mở rộng diện phủ của Nghị quyết 337 HĐND tỉnh ban hành ngày 24/3/2021 về quy định về chính sách đặc thù trồng rừng gỗ lớn từ thí điểm 2 địa phương Ba Chẽ, Hạ Long lên toàn tỉnh; tham mưu về chính sách phát triển kinh tế dưới tán rừng trước mắt là trồng cây dược liệu, về lâu dài có thể là những loại cây, con phù hợp khác; tham mưu về việc đẩy mạnh loại hình du lịch gắn với rừng, ưu tiên các địa phương cơ lợi thế phát triển du lịch…

Cover

Trong mùa xuân mới, các cánh rừng trải khắp vùng đất Quảng Ninh cũng khoác lên mình tấm áo mới đầy sức sống căng tràn. Để có được những màu lá xanh, chuyện giữ rừng đã không chỉ là công việc của riêng lực lượng kiểm lâm mà là trách nhiệm chung của cả cộng đồng xã hội, mà trực tiếp là những người dân sinh sống gần rừng, gắn bó với rừng. Trên hành trình tác nghiệp, chúng tôi được gặp những người vì tình yêu thiên nhiên mà bền bỉ, thầm lặng góp sức giữ rừng như báu vật.

Ảnh trong văn bản

Căn nhà nhỏ, mộc mạc của gia đình anh Triệu Tiến Lộc (thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, TP Hạ Long) nằm gọn bên góc khu rừng xanh mát tỏa bóng che chở. Không gian trong lành tươi mát, tiếng gió len lỏi qua tán lá rì rào hòa với tiếng chim rừng lảnh lót càng khiến lòng người thư thái. Rót chén nước chè xanh mời khách, anh Lộc kể cho chúng tôi nghe về lịch sử của khoảng rừng lim rộng hơn 30ha bên đèo Hạ My – tài sản vô giá đã và đang được gia đình quyết tâm giữ gìn bằng cả tấm lòng.

Câu chuyện bắt đầu từ những năm 1960, ông Triệu Tài Cao là bố của anh Triệu Tiến Lộc, cùng cả gia đình chuyển đến định cư ở mảnh đất Tân Dân màu mỡ. Nhưng thay vì chặt cây, bán gỗ, trồng keo... như nhiều người khác, ông Cao lại quyết định phải giữ và nhân rộng cánh rừng lim xanh tự nhiên. Chỉ với chiếc gùi mây trên lưng và nắm cơm đạm bạc trong túi, người đàn ông Dao Thanh Phán ấy đã tự mình đi khắp cánh rừng già, thu lượm hạt lim giống, tìm cây lim con để mang về trồng ở khu đồi sau lưng nhà.

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản

Khu rừng lim xanh của gia đình anh Triệu Tiến Lộc.

Ảnh căn phải

Trải qua hàng chục năm, cây nhỏ mọc thành cây to, hạt rụng rồi lại nảy chồi mọc thành cây mới, khu rừng ngày càng xanh tốt với nhiều loại cây gỗ quý như đinh, lim, trám và hàng trăm loại dược liệu trồng dưới tán rừng. Khi mắt đã mờ, chân chậm, ông Cao giao lại việc quản lý, chăm sóc rừng cho 5 người con trai. Triệu Tiến Lộc là con út ở cùng bố, đảm nhận việc giữ gìn 9ha rừng cổ thụ, với trên 200 gốc lim cổ.

Hành trình bền bỉ giữ rừng lim không hề dễ dàng. Trong ký ức, anh Triệu Tiến Lộc chưa bao giờ quên được hình ảnh của bố trong những đêm dài trăn trở, tự mày mò tìm cách ươm hạt lim giống với cả ngàn lần thất bại mà không nản. Anh Lộc bảo rằng, còn nhớ cả những ngày suýt đổ máu mới đuổi được bọn cưa trộm cây đầy hung hãn; rồi đến những thời điểm phải kiên định vô cùng để không ngã lòng trước những lời trả giá cao ngất ngưởng của những thương lái đến săn gỗ quý...

“Chỉ cần bán vài cây lim to, bố tôi cũng dễ dàng có trong tay vài trăm triệu. Mà đồng tiền lúc ấy thì có giá lắm, có lẽ đủ xây nên nhà cao cửa rộng khang trang, tiêu sài dư dật. Nhưng dù thế nào thì bố tôi vẫn kiên quyết không đồng ý chặt cây, bán rừng. Vì tiền nhiều mấy tiêu cũng hết, nhưng cây rừng hàng chục, hàng trăm năm tuổi, nếu chặt đi rồi thì mãi mãi không còn. Ông đã dành cả tâm huyết để giữ gìn cánh rừng lim, mà muốn để lại tài sản vô giá ấy cho con cháu mình được kế thừa, tiếp nối, không mất đi...” – Anh Lộc chia sẻ.

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản

Anh Triệu Tiến Lộc thường xuyên thăm rừng, thu nhặt hạt lim, cây con để nhân giống.
 

Mùa xuân này, ông Triệu Tài Cao đã về với tổ tiên. Nhưng những lời căn dặn phải yêu quý và giữ rừng như máu thịt mà ông Cao tâm niệm suốt cả cuộc đời vẫn đang được con cháu ghi nhớ, tự giác làm theo. Với anh Triệu Tiến Lộc, việc hằng ngày đi vào rừng kiểm tra từng gốc cây, tán lá... đã trở thành thói quen.

Dẫn chúng tôi đến thăm khoảng rừng mới phát sạch cỏ dại, anh Lộc chỉ cho chúng tôi thấy những loại cây dược liệu đang phát triển tươi tốt, đủ loại như khôi nhung, hoài sơn, kim ngân, ba kích... Cùng với các cây tre, dẻ... được trồng xen kẽ, đã mang lại nguồn thu kinh tế thường xuyên cho gia đình. Anh còn hào hứng kể về dự định nghiên cứu để cải tạo, đưa khu rừng quý này trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm hấp dẫn cho du khách khi đến thăm khu vực phía Tây của TP Hạ Long.

Ảnh trong văn bản

Xích Tùng có tên gọi khác là hoàng đàn giả, hồng tùng, có tên trong sách đỏ Việt Nam. Đây được coi là loài cây đặc trưng của vùng “đất Phật” Yên Tử (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí). Bởi tương truyền được trồng vào thời Phật hoàng Trần Nhân Tông bắt đầu xuất gia tu hành và lập ra Thiền phái Trúc Lâm từ hơn 700 năm trước. Đến nay, dọc theo con đường lên núi thiêng Yên Tử gập ghềnh, rừng cây tùng cổ thụ vẫn sừng sững tỏa bóng mát. Bộ rễ tùng trồi lên khỏi mặt đất, đan quyện với những phiến đá lát đường, trở thành bậc thang nâng đỡ bước chân của vô số lượt người hành hương chiêm bái trong hàng trăm năm qua. Tuy nhiên, cũng vì già cỗi, chịu nhiều sâu bệnh, lại không có khả năng mọc tự nhiên... số lượng Xích Tùng Yên Tử giảm dần, thậm chí bị đe dọa tuyệt chủng. Các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn đã tích cực vào cuộc để bảo tồn với nhiều chương trình, dự án nghiên cứu để “chữa bệnh” cho các “lão tùng” và bảo tồn giống quý.

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản

Vườn xây Xích Tùng Yên Tử của gia đình anh Sự.
 

Những ngày đầu xuân Giáp Thìn 2024, chúng tôi đến thăm khu vườn “bạc triệu” của anh Phạm Văn Sự (phường Thanh Sơn, TP Uông Bí) - người đầu tiên và đến nay vẫn là người duy nhất nhân giống được giống cây Xích Tùng Yên Tử. Khu vườn chỉ rộng hơn 1.000m2 nhưng tại đây đang có tới gần 1.900 cây tùng các giai đoạn tuổi, từ cây giống mới cao cỡ 1 gang tay cho đến hàng cây cao quá đầu người. Toàn bộ đều là thành quả từ sự đầu tư tâm sức công phu của anh Sự suốt hơn 20 năm qua, bởi để cho hạt tùng nảy mầm, cành chiết đâm rễ... không phải điều dễ dàng làm được trong ngày một, ngày hai.

Vừa nhanh tay kiểm tra lại bầu cây tùng non, anh Sự vừa kể cho chúng tôi nghe về hành trình nhiều gian nan khi theo đuổi niềm đam mê với Xích Tùng Yên Tử. Đó là từ năm 2001, anh bắt đầu công tác tại Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, được gần hơn với hàng cây quý ngay trên “đất Phật” đang ngày ngày đối mặt với nguy cơ suy thoái dần. Hạt xích tùng sau khi rơi xuống hoặc không thể tiếp cận mặt đất để nảy mầm vì thảm thực bì quá dày, hoặc vì mùi hương tinh dầu hấp dẫn côn trùng mà bị ăn hết số lượng ít ỏi (chỉ rụng vào 2 tháng cuối năm).

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản
Ảnh trong văn bản

Anh Sự thử nghiệm chiết cành, gieo hạt để nhân giống cây Xích Tùng Yên Tử.

Vậy là từ năm 2003, anh Sự bắt đầu thu lượm hạt xích tùng cổ Yên Tử để gieo nhân giống. Lại trải qua hàng trăm lần thất bại vì tình trạng hạt khó nảy mầm, cây non thối rễ, thối nõn, nấm mốc... nên phải đến khoảng năm 2008, anh mới chắc chắn có thể gieo và phát triển cây tùng thành công. Trong quá trình chăm sóc, chế độ ánh nắng, nước tưới, phân bón... đều được anh Sự dày công thử nghiệm, nghiên cứu không ít công phu.

Xích Tùng Yên Tử vốn khó tự sinh trưởng trong tự nhiên, nay lại đang mọc lên xanh tốt ngay trong khu vườn nhỏ của anh Sự. Ngoài ươm hạt, anh Sự còn có thể chiết cành để rút ngắn thời gian sinh trưởng và tránh sâu bệnh cho cây, sức sống của Xích Tùng cũng mạnh mẽ hơn khi được đưa ra trồng ở môi trường tự nhiên. Bắt đầu từ tháng 6/2023 đến nay, anh Sự đã giao trên 1.000 cây giống cho Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, trồng bổ sung cho khu rừng tùng “đất Phật” Yên Tử. Những vị trí trồng mới đều được các chuyên gia quan tâm chăm sóc định kỳ, chính là nguồn sinh khí mới cho nơi này.

Ảnh trong văn bản

Sáng sớm nay, có tiếng lao xao từ căn nhà của anh Nịnh Văn Năm (thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ). Thì ra, theo lời mời của Hội Nông dân huyện Ba Chẽ, một số hộ dân tìm đến gặp anh Năm để tham khảo mô hình trồng cây gỗ lớn. Cơn mưa phùn rả rích làm cơn gió núi thổi về càng thêm lạnh, nhưng những bước chân thì vẫn hăm hở tiến thẳng về hướng khu đồi rừng chỉ cách nhà vài trăm mét. Anh Năm bảo: “Nếu cần, xe ô tô bán tải có thể vào tận mép rừng để chở cây giống, phân bón, các loại hàng hóa khác... Bởi nhờ chương trình xây dựng Nông thôn mới được triển khai những năm qua, hệ thống giao thông đều đã được đầu tư nâng cấp khang trang, thuận tiện lắm rồi”.

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản

Khu rừng gỗ lớn hơn 2 năm tuổi của gia đình anh Nịnh Văn Năm.

Anh tâm sự: Tôi đã nhận đất trồng rừng từ những năm 1994, nhưng lúc đó chủ yếu chỉ trồng keo, sau thì có thêm sa mộc. Hai loại cây này chỉ cần 6-8 năm là thu hoạch, giúp gia đình giải quyết được cái lợi trước mắt bởi nhanh được khai thác, vốn đầu tư thấp, ít phải chăm sóc... nhưng về lâu dài thì không bền vững vì giá trị kinh tế không cao, đất đai nhanh chóng bạc màu, khô kiệt. Vì vậy khi tích lũy được chút vốn liếng, lại hưởng ứng theo chương trình phát triển rừng gỗ lớn mà tỉnh và huyện triển khai, tôi quyết định chuyển đổi sang trồng giổi và lim xanh với tổng diện tích gần 8ha, xen kẽ trong khu rừng còn có các loại quế, cát sâm, mít...

Ảnh với chú thích

Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Ba Chẽ (bên trái) đến thăm mô hình trồng rừng của anh Nịnh Văn Năm.

Việc làm của anh Năm nhận về không ít lời gièm pha, cho rằng mỗi năm cây lim chỉ lớn được chừng vài chục phân, trồng như thế đến bao giờ mới được thấy thành quả? Nhưng anh Năm thì đã hiểu rõ việc mình đang làm nên càng thêm kiên định. Anh chia sẻ: “Chuyển đổi từ rừng giá trị kinh tế thấp sang trồng rừng gỗ lớn mang lại lợi ích “kép”, vừa nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng rừng lại vừa bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường địa phương... Tôi trồng rừng gỗ lớn còn là để tài sản vô giá cho con cháu mình nữa”.

Cũng với tư duy phát triển lâm nghiệp bền vững, gia đình ông Lương Thế Xuyên (thôn Thủy Cơ, xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên) đang sở hữu một khu rừng gần 14ha với hàng nghìn cây gỗ lớn như lim xanh, sở, giổi... do chính ông Xuyên tự tay trồng từ khi bắt đầu khai hoang, mở đất vào những năm 1995. Giờ đây, những tán cây vươn lên mạnh mẽ, dang rộng như một ngôi nhà lớn che chở một vùng đất xanh mát, thu hút nhiều loại chim, thú rừng về kiếm ăn, trú ngụ. Với ông Xuyên, mỗi ngày được dạo bước dưới tán rừng, thấy từng khóm cây khỏe mạnh tươi tốt không phụ công người chăm sóc, đó chính là mùa xuân.

Ảnh với chú thích

Khu rừng gỗ lớn là thành quả chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt của gia đình ông Lương Thế Xuyên. 

Hơn ai hết, ông Xuyên hiểu rõ những khó khăn mà mình phải đương đầu để bảo vệ rừng trước những tác động của thiên nhiên và của cả con người. Nhiều năm trước, người dân chưa có ý thức cao trong bảo vệ rừng, mà thường xuyên khai thác gỗ cạn kiệt, đốt rừng để trồng keo, bạch đàn... Nhưng dần dần, qua nghe tuyên truyền vận động, nhiều hộ đã mạnh dạn áp dụng mô hình bền vững, mà ông Xuyên chính là hộ tiên phong. Khoảng 1 năm trước (tháng 4/2023), đoàn công tác của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký đã đến thăm mô hình của ông Xuyên, đánh giá cao sự nỗ lực của gia đình trong phát triển kinh tế không chỉ cho hiện tại mà cho cả các thế hệ sau này.

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản

Ông Lương Thế Xuyên dành nhiều thời gian hằng ngày để đi thăm rừng, kiểm tra chất lượng sinh trưởng các loại cây. 

Từ quan tâm, định hướng của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, địa phương, ông Xuyên càng thêm nỗ lực hưởng ứng chủ trương trồng rừng gỗ lớn. Hiện nay, còn nuôi trên 4.000 con gà Tiên Yên, gần 100 con dê, trồng cây dược liệu dưới tán rừng đế đảm bảo thu nhập. Ông còn đang khẩn trương cải tạo khu vực vườn nhà thành 1 điểm du lịch sinh thái trải nghiệm, khai thác tối đa hiệu quả bền vững của cánh rừng gỗ lớn, tranh thủ lợi thế của tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã hoàn thành.

Những cánh rừng trải dài đang góp thêm sắc màu, thanh âm tươi vui rộn rã của quê hương Quảng Ninh thân yêu trong mùa xuân mới Giáp Thìn này. Niềm vui nhỏ của những hộ trồng rừng, giữ rừng đã hòa vào niềm vui chung, đó là những giá trị kinh tế, môi trường bền vững lâu dài cho các thế hệ mai sau đang được gây dựng từ ngày hôm nay.

Cover

Diện tích rừng của Quảng Ninh hiện đạt trên 337.000 ha (trong đó có 122.700 ha rừng tự nhiên, 214.800 ha rừng sản xuất). Tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,7%, đứng trong top địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước. Những cánh rừng xanh với hệ sinh thái động, thực vật phong phú được ví như “lá phổi xanh”, đã và đang phát huy giá trị đa dụng, tiếp tục là động lực cho sự phát triển của tỉnh. Không những có giá trị về bảo vệ môi trường, với khả năng chống xói mòn, sạt lở đất đá, giữ và điều hoà nguồn nước, làm sạch không khí, những cánh rừng ngát xanh còn ngày ngày mang lại đời sống ấm no cho nhân dân, làm cho những vùng nông thôn, miền núi thêm giàu mạnh, phát triển bền vững.

Ảnh với chú thích

Rừng ngập mặn Đồng Rui (huyện Tiên Yên).

Ảnh trong văn bản

Từ TP Hạ Long, đi ô tô chừng 1 giờ 15 phút là chúng tôi đến được xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên). Tiết trời tháng 1 lạnh tê tái nhưng ai nấy đều cảm nhận rõ động lực tràn trề của người dân nơi đây với những cánh rừng ngập mặn xanh mướt trù phú cùng những triển vọng hấp dẫn. Chị Phùn Thị Huệ, cán bộ địa chính UBND xã Đồng Rui đưa chúng tôi đi tham quan một vòng, giới thiệu: Rừng ngập mặn ở Đồng Rui là một trong những cánh rừng ngập mặn đẹp nhất ở miền Bắc đấy ạ. Đối với đa số người dân xã đảo Đồng Rui, rừng ngập mặn còn là nguồn sống, kế sinh nhai của nhiều thế hệ, vì chứa nguồn lợi hải sản đa dạng, phong phú.

Ảnh với chú thích

Người dân xã Đồng Rui với những dụng cụ đơn giản đi khai thác hải sản ở những cánh rừng ngập mặn.

Đi một vòng quanh xã, chúng tôi bắt gặp hình ảnh mộc mạc của các chị, các bà với dụng cụ đơn giản như cái cuốc nhỏ và một thùng sơn cũ để đựng hải sản đang đi ra biển. 9 giờ sáng, nước lên cao, ngập ngang thân những cây sú, cây vẹt, chị Nguyễn Thị Nhung, thôn 4, xã Đồng Rui phải chèo mủng để ra những khóm rừng mọc cao hơn, khu đất cứng nhô lên khỏi mặt nước. Đã quen với việc chèo mủng nên chỉ 5-7 phút là chị Nhung cùng các chị em ở trong thôn đã ra tới những bãi sình lầy trù phú dưới tán rừng, cần mẫn đào ngao, bắt vạng, bắt ốc, sâu đất…

Đi xa hơn một chút, chúng tôi gặp chị Đỗ Thị Uyên, thôn 4, xã Đồng Rui. Vừa lom khom cào vạng, chị Uyên vừa tâm sự: Từ bé, tôi đã đi theo bố mẹ ra khu vực rừng ngập mặn này để đào ngao, ốc, ngán, vạng, cáy, bông thùa… Gia đình tôi mấy đời đã kiếm sống và kinh tế khấm khá lên cũng nhờ cái nghề này. Ngày ít thì được 200 nghìn – 300 nghìn đồng, được bữa cơm qua ngày. Tới tháng 4, tháng 5 âm lịch, ngày nào mà bắt được nhiều ngán thì cũng kiếm được tới 500 – 600 nghìn đồng, có thêm tiền để cho con ăn học.

Ảnh với chú thích

Nhờ những cánh rừng ngập mặn, cuộc sống người dân xã Đồng Rui cũng bớt đi khó khăn.

Đôi bàn tay chị Uyên cứ thoăn thoắt đào liên tục, chỉ chốc lát đã được 1/3 cái thùng mang theo. Chị Uyên hứng khởi đưa cho tôi xem 1 con vạng to bằng nửa lòng bàn tay, những con nhỏ hơn thì chị không lấy. Nhiệt độ ngoài trời lúc này là 7 độ, cũng là ngày rét đỉnh điểm của đợt lạnh nhất từ đầu mùa đông. Thời tiết lạnh giá, đôi bàn tay của ai nấy đều cảm thấy ê buốt, thế nhưng chị Uyên cũng như nhiều chị em ở đây vẫn luôn nở nụ cười khi tìm được nhiều "món quà của biển". Cái giá rét dường như cũng được xua tan.

Không chỉ chị Nhung, chị Uyên mà nhiều người dân ở trong xã, từ già đến trẻ, phụ nữ hay đàn ông đều có thể kiếm kế sinh nhai từ những tán rừng ngập mặn xanh mướt như này. Trong những năm qua, người dân và chính quyền đã cùng chung tay, thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của rừng. Chính vì vậy, mà ý thức giữ gìn rừng của người dân cũng ngày càng nâng lên.

Ảnh với chú thích

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Yên tuyên truyền cho người dân xã Đồng Rui về việc bảo vệ rừng khi khai thác hải sản.

Anh Mai Văn Quang, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Yên, phụ trách địa bàn xã Đồng Rui cho biết: Những năm gần đây, để quản lý bền vững và tiếp tục phát triển diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn xã Đồng Rui nói riêng và huyện Tiên Yên nói chung, Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu cho huyện thu hồi nhiều diện tích bãi triều nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả và tiến hành trồng rừng ngập mặn thay thế. Đồng thời, chúng tôi cũng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền và ký cam kết bảo vệ rừng đến các hộ dân sống ven rừng mỗi năm, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, ngăn chặn hành vi khai thác tận diệt…

Ảnh với chú thích

Vạng là một trong những đặc sản ở rừng ngập mặn Đồng Rui.

Đồng chí Lục Văn Sinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên) cho biết: Từ năm 2003, xã Đồng Rui có chủ trương bảo vệ rừng ngập mặn. Xã thành lập Ban Quản lý rừng ngập mặn, 4 thôn có 4 ban quản lý. Mỗi ban có quy chế làm việc rõ ràng, được quy định tới từng thành viên. Quy chế khuyến khích bà con tích cực tuần tra bảo vệ rừng ngập mặn. Người nào phát hiện có kẻ phá rừng, báo ban quản lý của thôn, được hưởng 50% số tiền mà kẻ phá rừng phải nộp phạt.

Ảnh trong văn bản

Theo UBND xã Đồng Rui, khu đất ngập nước Đồng Rui được đánh giá là có đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí lựa chọn của một vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đã quy định trong Công ước Ramsar. Trong 1.227 loài tại Đồng Rui, đã xác định được 67 loài quý hiếm có giá trị bảo tồn theo cấp độ khác nhau. Trong những năm qua, tỉnh, huyện và các tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ cho bà con nhân dân xã Đồng Rui phát triển rừng ngập mặn, diện tích rừng ngày càng được tăng thêm. Được sự hỗ trợ của các tổ chức, dự án, năm 2018, xã Đồng Rui được trồng thêm 33 ha, năm 2020 trồng 30 ha; năm 2022 trồng 10 ha, nâng tổng diện tích rừng ngập mặn của xã đến nay lên tới trên 2.000 ha.

Cũng giống như ở Đồng Rui (huyện Tiên Yên), rừng ngập mặn những năm qua cũng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống, sản xuất của người dân xã Quảng Phong (huyện Hải Hà). Ở đây, hệ thống rừng ngập mặn được ví như “tường rào” bảo vệ ngăn nước biển dâng, là “lá phổi xanh” góp phần cải thiện môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm hộ dân. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 9 (xã Quảng Phong) Hà Văn Hoa cho biết: Ở đây, nhiều người dân bám trụ với nghề nuôi ngao, nghêu tại khu vực bãi triều, mỗi ngày, kiếm được từ 300 nghìn - 500 nghìn đồng. Hằng ngày, có hàng trăm người dưới tán rừng đào sá sùng, bắt cua, ốc…

Những năm qua, ngày càng có nhiều chương trình, dự án trồng mới, phục hồi rừng ngập mặn do tỉnh và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ. Người dân cũng ý thức hơn, tuyên truyền nhắc nhở nhau bảo vệ thật tốt từng gốc cây rừng tự nhiên, đồng thời chăm sóc kỹ lưỡng mỗi cây mới trồng.

Ảnh với chú thích

Người dân xã Quảng Phong (huyện Hải Hà) đánh bắt hải sản tại khu vực rừng ngập mặn.

Thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu có hơn 70 hộ dân trồng quế, hồi với diện tích trên 300 ha. Nhờ nguồn lợi từ rừng, ở đây đã không còn hộ nghèo, không có nhà tạm. Hộ nào thu nhập cao thì thu về khoảng 300 triệu đồng/năm. Hộ thấp hơn cũng được khoảng 100 triệu đồng/năm.

Ông Dường Cắm Thím, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn cho biết: Nguồn thu từ rừng đã giúp nhiều gia đình trong thôn từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Nếu ai mà chịu khó chăm sóc thì sẽ đạt sản lượng cao. Gia đình nào mà không có diện tích đất rừng để trồng quế, hồi thì tham gia thu mua vỏ quế, hoa hồi, khai thác nhựa thông, làm dịch vụ vận chuyển, bóc vỏ quế, khai thác hoa hồi thuê cho những hộ khác...

Ảnh với chú thích

Người dân thôn Khe Tiền (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) làm giàu từ cây hồi, quế.

Cùng với xã Đồng Văn, ở nhiều xã trên địa bàn huyện Bình Liêu, rừng đã đem lại giá trị lớn, tạo việc làm, thu nhập cho người dân và là bệ đỡ cho nhiều ngành kinh tế phát triển. Người dân Bình Liêu, nhờ vào vốn rừng đang có đã tự tin tham gia trong các định hướng phát triển kinh tế chung của huyện, trong đó có kinh tế dịch vụ, du lịch. Những hoạt động du lịch mà Bình Liêu tổ chức gần đây luôn gắn với cây sở, hồi, quế, những loại cây rừng chủ lực của huyện Bình Liêu. Tiêu biểu như lễ hội hoa sở, check-in với hoa sở, chơi trò chơi dân gian trong rừng sở, thưởng thức ẩm thực dân tộc dưới rừng sở, bay dù lượn trên rừng sở, đua xe đạp dọc rừng sở...

Ảnh với chú thích

Phơi, sấy vỏ quế ở xã Quảng An, huyện Đầm Hà. Ảnh: Quốc Nghị (Trung tâm TT-VH Đầm Hà).

Nhờ sự quan tâm của tỉnh, những năm qua, người dân vùng có rừng và đất rừng sinh sống, làm giàu bằng kinh doanh tổng hợp nghề rừng, gia tăng giá trị từ rừng. Qua đó, đã hình thành và củng cố hơn 700 ha diện tích trồng cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu, trong đó nhiều dược liệu quý như: Ba kích, trà hoa vàng, cát sâm, khôi tía… 5 năm qua, toàn tỉnh đã khai thác gần 20.000 tấn lâm sản ngoài gỗ. Thực hiện Chương trình OCOP, đã có 499 sản phẩm với sự tham gia của 188 đơn vị với đa dạng sản phẩm thảo dược, dược liệu được đóng gói, như: Trà túi lọc, cao dược liệu, tinh dầu, viên nang cứng, rượu thuốc…

Ảnh với chú thích

Cảnh quan Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Ảnh: Nguyễn Thanh

Với diện tích rộng lớn, những cánh rừng xanh ở Quảng Ninh đã và đang được phát huy giá trị, tốt cho cảnh quan, lợi cho công nghiệp. Rừng Yên Tử bao bọc, bảo vệ di tích Yên Tử, thúc đẩy kinh tế du lịch. Rừng ngập mặn Đồng Rui tạo sinh kế cho nhân dân. Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng có diện tích tự nhiên lớn, lên tới gần 15.600ha, trải rộng trên địa phận 5 xã khu vực đồi núi phía Bắc của TP Hạ Long, có những giá trị to lớn về đa dạng sinh học và giàu tiềm năng cho phát triển du lịch sinh thái. Hay rừng ở Vườn Quốc gia Bái Tử Long, một sản phẩm du lịch rừng trên biển kỳ thú…

Đối với ngành Than, để “xanh hoá” hoạt động sản xuất, các đơn vị ngành Than đã tăng cường trồng cây phủ xanh, phục hồi, hoàn nguyên môi trường tại các diện tích đã kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản, nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững; gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đến nay, tổng diện tích trồng cây phủ xanh hoàn nguyên môi trường của ngành Than tại Quảng Ninh là trên 1.500 ha. TKV cũng đang nghiên cứu thực hiện “xanh hoá” bãi thải mỏ bằng các loài cây gỗ lớn, cây bản địa lâu năm để ổn định bền vững môi trường các khu vực sản xuất, kết hợp lấy gỗ làm trụ mỏ. Đến nay đã trồng được 568 ha cây xanh, hình thành hành lang cây xanh làm vùng đệm giữa các khu vực phát triển công nghiệp và đô thị.

Rừng Quảng Ninh có vị trí đặc biệt quan trọng trong phòng hộ bảo vệ đầu nguồn, vùng ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học, hạn chế thiên tai. Đồng thời đóng vai trò quan trọng đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển du lịch bền vững, tạo việc làm cho người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Từ đó, mang lại nguồn lợi đáng kể, từng bước thay đổi đời sống người dân vùng rừng, cũng như các chủ rừng.

Cover

Ở vùng đất Quảng Ninh, ngay sau những ngày nghỉ Tết, các cấp các ngành, các địa phương, nhà trường lại tổ chức một phong trào hoạt động có truyền thống lâu đời. Đó là tổ chức Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ.

Ảnh trong văn bản

Những năm 2010 trở về trước, trên hành trình phát triển, phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp, Quảng Ninh đã nhanh chóng đạt được những thành tựu kinh tế to lớn. Tuy nhiên, câu chuyện về bảo vệ môi trường lại đặt ra hết sức bức bối bởi các xung đột giữa phát triển công nghiệp và du lịch trên cùng một địa bàn…

Để giải quyết vấn đề này, tỉnh đã nhanh chóng lựa chọn chuyển đổi phương thức phát triển từ nâu sang xanh. Hàng loạt những giải pháp tầm chiến lược được Quảng Ninh xây dựng và triển khai, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển nông, lâm nghiệp, quyết tâm cải thiện môi trường thông qua việc tổ chức tết trồng cây, trồng, bảo vệ và phát triển rừng bài bản, có hiệu quả.

Ảnh với chú thích

Lực lượng chức năng trồng rừng lim, giổi, lát tại huyện Bình Liêu vào Tết Trồng cây năm 2021.

Thấm nhuần tinh thần trồng cây gây rừng của Bác Hồ, nhiều năm qua, trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới, các đơn vị ngành than đều đồng loạt phát động Tết trồng cây, thi đua trồng cây xanh trên các bãi thải, các khai trường, công trường.

Tại bãi thải Nam Khe Tam, thuộc Công ty CP than Đèo Nai, nếu trước đây là 1 quả núi đất đá thải khổng lồ hàng ngày phát tán bụi đất xuống đô thị Hạ Long thì nay là cánh rừng xanh mát.

Tết trồng cây năm 2023, cán bộ, công nhân Công ty CP than Đèo Nai đã cùng nhau trồng 4,2ha cây lát hoa trên đỉnh Nam Khe Tam. Sau một năm được chăm sóc cẩn thận, cây lát hoa thích nghi với nền đất bãi thải, cây dài hơn, bật thêm các chồi non và lá mới. Trên đỉnh Nam Khe Tam này, diện tích cây lát hoa nói trên cộng với những thảm cây phi lao, cây keo lá chàm được doanh nghiệp trồng những năm trước đó tạo nên một màu xanh tươi tốt, khiến Nam Khe Tam được phủ xanh thay cho sự hoang hoá, khô cằn vốn có của một bãi thải mỏ.

Ảnh với chú thích

Cây rừng ngập mặn được trồng mới tại xã Vạn Ninh, TP Móng Cái.

Công ty CP than Đèo Nai quản lý 4 bãi thải rộng lớn là Nam Khe Tam, Nam Đèo Nai, Đông Khe Sim và Lộ Trí. Công ty đã tổ chức trồng rừng phủ xanh 4 bãi thải, với tổng diện tích khoảng 450ha. Cây xanh giúp cho các bãi thải ổn định nền địa chất, tạo thảm thực vật, tạo mầu xanh mát, giảm tình trạng trôi, lở, xói mòn đất, giảm phát tán bụi, góp phần bảo vệ môi trường và cảnh quan.

Những bãi thải mỏ sừng sững đất đá bao vây các đô thị Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều nhờ chủ trương chú trọng phát triển rừng đã nhanh chóng được phủ xanh màu rừng, nâng cao chất lượng môi trường. Các bãi thải lớn của các công ty than Núi Béo, Hà Lầm, Uông Bí, Mạo Khê… cũng được phủ xanh mát mắt. Quảng Ninh đã cơ bản chấm dứt ảnh hưởng của các bãi thải mỏ ra môi trường.

Báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), tính đến hết năm 2023 đã trồng được 1.800ha cây xanh. Năm 2024 này, mục tiêu của TKV là trồng 130 ha cây xanh, đảm bảo phủ kín các vị trí bãi thải đã dừng hoạt động và khu vực khai trường có lượng phát thải lớn.

Ảnh trong văn bản

So với nhiều địa phương khác trong cả nước, nét riêng của các tết trồng cây ở Quảng Ninh là việc gắn với định hướng trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa, đặc biệt ưu tiên cây lim, giổi, lát. Đây là những loại cây, loại rừng được đánh giá phù hợp lập địa Quảng Ninh, có tính bền vững và giá trị kinh tế, giá trị về môi trường cao, có ưu thế để làm giàu rừng, nâng cao chất lượng của rừng.

Tết trồng cây năm 2021, lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh đưa ra mục tiêu đến năm 2025 trồng mới được 5.000 ha lim, giổi, lát. Tỉnh cũng khuyến khích người dân, doanh nghiệp trồng rừng lim, giổi, lát trong diện tích rừng sản xuất.

Cánh rừng giổi tại lưu vực hồ Khe Táu do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Tiên Yên trồng trong dịp Tết trồng cây năm 2022. Do được chăm sóc đúng quy trình, cây giổi phát triển tốt, tăng trưởng nhanh, không bị sâu bệnh, góp phần tăng khả năng giữ đất, giữ nước, tạo nguồn sinh thuỷ.

Ảnh với chú thích

Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Tiên Yên chuẩn bị cây giống để trồng rừng.

Từ chủ trương trúng, đúng, đã nhanh chóng lan toả trong các tầng lớp nhân dân, đơn vị, doanh nghiệp, cùng chung tay trồng rừng lim, giổi, lát. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, trong giai đoạn 2021-2023, dịp Tết trồng cây đầu năm toàn tỉnh đã trồng được hơn 6,3 triệu cây, gồm hơn 4,5 triệu cây trồng tập trung (tương đương 2.414ha) và 1,7 triệu cây trồng phân tán. Cùng với đó toàn tỉnh trồng mới trên 3.500ha rừng lim, giổi, lát, đưa Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của toàn quốc trồng rừng lim tập trung và có rừng lim trong diện tích rừng sản xuất.

Việc Quảng Ninh triển khai tốt Tết trồng cây đã góp phần đẩy nhanh lộ trình thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” cũng như góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Các Tết trồng cây cũng giúp Quảng Ninh đã nhanh chóng nhân lên những cánh rừng xanh. Hiện Quảng Ninh đang có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên 434.700ha, chiếm gần 70% diện tích tự nhiên của tỉnh. Tỉ lệ che phủ rừng của Quảng Ninh là 55%. Kết quả này đưa Quảng Ninh trở thành địa phương đứng thứ 18 cả nước về diện tích rừng, đứng thứ 14 cả nước về tỷ lệ che phủ rừng.

Ảnh trong văn bản

Phát huy nét đẹp truyền thống Tết trồng cây, năm 2024 này, tỉnh Quảng Ninh phát động Tết trồng cây xuân Giáp Thìn năm 2024 quy mô cấp tỉnh diễn ra tại khu vực hồ Đầm Hà Động thuộc bản Thanh Lâm, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà với diện tích trồng trong lễ phát động là 3ha cây lát hoa. Các huyện, thị xã, thành phố khác trên địa bàn tỉnh đồng loạt tổ chức phát động Tết trồng cây tại địa phương vào sáng ngày 15/2/2024 (mùng 6 Tết). Phấn đấu trong dịp này, tỉnh Quảng Ninh sẽ trồng tối thiểu 1 triệu cây xanh, vượt 1,25 lần chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 về tổ chức phong trào “Tết trồng cây”.

Ảnh với chú thích

Những núi đá trên Vịnh Hạ Long là nơi cư trú, phát triển của nhiều loài linh trưởng.

Trong Tết trồng cây năm 2024, Quảng Ninh tiếp tục khuyến khích tập trung trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa có giá trị kinh tế cao. Trọng tâm phấn đấu trồng tối thiểu 250ha rừng lim, lát, giổi, nhất là mục đích đạt kết quả cao nhất đối với cây hoàn nguyên, phục hồi môi trường.

Khởi đầu từ những Tết trồng cây, từ tinh thần trồng cây gây rừng của Bác Hồ, trong quá trình triển khai, tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho rừng. Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành ngày 28/11/2019 là nghị quyết chuyên đề về phát triển lâm nghiệp bền vững đầu tiên trong cả nước. Nghị quyết số 337/2021/NQ-do HĐND tỉnh Quảng Ninh ban hành ngày 24/3/2021 về một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững cũng là một NQ có tính đặc biệt trên toàn quốc về việc trồng rừng gỗ lớn.

Ảnh với chú thích

Lực lượng kiểm lâm huyện Hải Hà kiểm tra thực địa rừng ngập mặn trên địa bàn.

Hiện Quảng Ninh đang có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên 434.700ha, chiếm gần 70% diện tích tự nhiên của tỉnh. Tỉ lệ che phủ rừng của Quảng Ninh là 55%. Kết quả này đưa Quảng Ninh trở thành địa phương đứng thứ 18 cả nước về diện tích rừng, đứng thứ 14 cả nước về tỷ lệ che phủ rừng. Đáng mừng hơn là rừng của Quảng Ninh đảm bảo chất lượng rừng để phòng hộ, bảo vệ đầu nguồn, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo chiến lược an ninh nguồn nước.

Mỗi mùa tết trồng cây là dịp nhắc nhở mỗi cấp, mỗi ngành và mỗi người chúng ta về trách nhiệm đối với tương lai, đối với môi trường sống bền vững không chỉ trước mắt mà còn về lâu dài. Từ sự quan tâm chăm lo của tỉnh, sự chung tay vào cuộc của nhân dân, những cánh rừng của Quảng Ninh đang được nhân lên, đã và đang phát huy tác dụng của mình trong phát triển kinh tế, đóng vai trò quan trọng vào lộ trình phát triển xanh. Nhờ vào rừng, Quảng Ninh cân bằng hài hoà giữa phát triển công nghiệp, khai khoáng với phát triển dịch vụ, du lịch. Nếu trồng cây là một hành động đẹp thì chăm sóc, bảo vệ cây đâm chồi, nảy lộc và sinh trưởng chính là sự hoàn thiện nét đẹp truyền thống quý báu Tết trồng cây ơn Bác. 

Chỉ đạo thực hiện: Trung Thành
Thực hiện: Việt Hoa - Hoàng Giang - Lan Anh

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu