4
18
/
819404
Tỏa sáng tài năng trẻ
longform
Tỏa sáng tài năng trẻ

Với khát vọng cống hiến, vươn lên, tuổi trẻ Quảng Ninh đang không ngừng học tập, rèn luyện, xung kích đi đầu trên mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp dựng xây và bảo vệ đất nước.

Anh Nguyễn Đức Thuận bế trên tay cháu bé được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Bác sĩ Nguyễn Đức Thuận bế trên tay cháu bé được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Sinh năm 1989, bác sĩ Nguyễn Đức Thuận, Phó Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh cùng các cộng sự đã triển khai thành công công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm với sự ra đời của em bé IVF đầu tiên ngày 29/11/2017, đánh dấu sự phát triển mới trong điều trị vô sinh tại Quảng Ninh. Đồng thời, Dự án khoa học “Ứng dụng công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm trong điều trị vô sinh tại Quảng Ninh” này cũng đoạt giải nhất Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh và đoạt giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc.

Tốt nghiệp với chuyên ngành bác sĩ đa khoa, ban đầu Thuận ấp ủ dự định nghiên cứu chuyên sâu lĩnh vực tim mạch, nhưng sau một lần chứng kiến những mong mỏi và khó khăn vì hiếm muộn của một thành viên trong gia đình, Thuận đã quyết định theo đuổi ngành hỗ trợ sinh sản. Bước chân vào một lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam và chưa từng có ở Quảng Ninh, Thuận cùng các đồng nghiệp đã phải tìm tòi, học hỏi các kỹ thuật mới trong suốt 2 năm; đồng thời, tham mưu cho lãnh đạo bệnh viện trang bị nhiều máy móc, công nghệ hiện đại để phục vụ tối đa cho nhu cầu điều trị hiếm muộn của bệnh nhân tại bệnh viện.

Anh chia sẻ: “Với vai trò Trưởng labo IVF, tôi đã trực tiếp cùng đồng nghiệp xây dựng phác đồ kỹ thuật, kiểm soát chất lượng, quản lý rủi ro trong hỗ trợ sinh sản và điều trị cho 387 ca bệnh: Tìm trứng, tách trứng, cho thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển, tiêm tinh trùng vào bào tương trứng, nuôi cấy phôi, theo dõi động học phát triển phôi, hỗ trợ phôi thoát màng, đông lạnh phôi, rã đông phôi, chuyển phôi, đông lạnh tinh trùng từ phẫu thuật, lọc rửa tinh trùng… Kết quả đến tháng 8/2018 đã có 60 trẻ em ra đời khoẻ mạnh nhờ thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh và gần 110 phụ nữ đang mang thai chờ sinh”.

Không những thế, từ tháng 11/2017, được sự cho phép của Ban lãnh đạo bệnh viện, Thuận đã thành lập ngân hàng tinh trùng. Điều này không chỉ đem lại lợi ích cho bệnh nhân hiếm muộn mà còn giúp Khoa Hỗ trợ sinh sản giải quyết nhiều vấn đề chuyên môn khác trong điều trị vô sinh.


Chia sẻ về công việc của mình, Thuận cho biết: "Tôi mong muốn có thể nâng cao nghiệp vụ, mang lại những điều kiện tốt nhất để phát triển lĩnh vực hỗ trợ sinh sản tại Quảng Ninh, đem đến hy vọng cho các vợ chồng hiếm muộn. Nụ cười và những giọt nước mắt hạnh phúc của họ khi chào đón đứa con của mình chào đời chính là niềm vui và món quà lớn nhất mà tôi nhận được". Từ những đóng góp của Thuận cũng như các đồng nghiệp khác, năm qua, Khoa Hỗ trợ sinh sản đã đạt thành tích xuất sắc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra và triển khai được nhiều kĩ thuật mới trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản với tỷ lệ 40% thành công có thai sau chuyển phôi ngày 3 và 80% sau chuyển phôi ngày 5 - tương đương kết quả của các trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn của cả nước.

Đua thuyền Canoeing là một bộ môn còn khá xa lạ với người dân Quảng Ninh. Tuy nhiên, với lòng nhiệt huyết và sự tìm tòi học hỏi không ngừng, HLV Đỗ Văn Hiệu, Trung tâm Lặn, cứu hộ và thể thao dưới nước tỉnh, đã từng bước nỗ lực, đưa bộ môn đua thuyền Canoeing trở thành “chiếc cần câu” huy chương cho Quảng Ninh.

HLV Đỗ Văn Hiệu (thứ 2, trái sang) nhận danh hiệu HLV tiêu biểu Vùng mỏ năm 2017.
HLV Đỗ Văn Hiệu (thứ 2, trái sang) nhận danh hiệu HLV tiêu biểu Vùng mỏ năm 2017.

Năm 2006, khi mới làm quen với bộ môn đua thuyền Canoeing, HLV Hiệu gặp không ít khó khăn. Bởi đây là bộ môn còn khá xa lạ, ít có tài liệu. Tại Quảng Ninh, cũng ít người có kinh nghiệm. Hơn nữa, môn thể thao này còn rất "kén" VĐV; đòi hỏi các VĐV phải có chiều cao, sức lực dẻo dai, cường độ luyện tập cao, điều kiện khắc nghiệt; địa điểm tập luyện không cố định. Để "giữ chân" học trò, ngoài việc truyền đạt kỹ thuật, kinh nghiệm, HLV Hiệu còn là nhà tâm lý để “công tác tư tưởng”, động viên VĐV. HLV Hiệu tâm sự: “Những ngày đầu, tuyển VĐV rất khó. Các em không những phải đáp ứng tiêu chuẩn về thể lực mà còn phải có niềm đam mê với bộ môn này. Nhiều em dù đã theo nhưng do quá vất vả, nên đã bỏ cuộc. Tôi phải động viên và định hướng rất nhiều, các em mới vượt qua và tiếp tục tập luyện”. 

Nhưng càng khó khăn, những kết quả của thầy trò HLV Đỗ Văn Hiệu đạt được càng thêm phần ý nghĩa, như những “trái ngọt” đền đáp xứng đáng cho quyết tâm luyện tập cũng như đam mê với bộ môn này. Năm 2017, thầy trò HLV Đỗ Văn Hiệu đoạt được nhiều thành tích khi giành được 40 huy chương các loại tại nhiều trận đấu trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, đội tuyển đua thuyền Canoeing Quảng Ninh cũng có nhiều gương mặt nổi bật hiện đang tập trung tại đội tuyển quốc gia như: Vũ Thị Linh, Đinh Thị Trang. Với thành tích xuất sắc đó, HLV Đỗ Văn Hiệu đã được bầu chọn là HLV tiêu biểu Vùng mỏ năm 2017.

Nói về dự định sắp tới của mình, HLV Hiệu cho biết: Toàn đội đang trong đợt cao điểm để luyện tập. Kết quả của năm 2017 là sự ghi nhận nhưng cũng là trách nhiệm để năm sau chúng tôi phấn đấu đạt thành tích tốt hơn nữa. Trước hết, đội cần hoàn thành chỉ tiêu đoạt 3 HCV ở các nội dung Kayak tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII/2018. Hiện tại, tôi đang cùng các VĐV tập huấn tại TP Hải Phòng để nâng cao chuyên môn và tiếp tục tập huấn thêm ở những địa phương khác nhằm giúp các em có thêm nền tảng thể lực, chuyên môn, sẵn sàng cho các đấu trường trong nước và quốc tế".

Không chỉ là một trong những tổ trưởng phụ trách chuyên môn trẻ nhất của Trường THPT Chuyên Hạ Long, cô Trương Thị Thu Hường, giáo viên môn tiếng Anh còn là người truyền cảm hứng, nâng bước thành công cho nhiều thế hệ học sinh.

Cô Trương Thị Thu Hường giảng bài cho học sinh.
Cô Trương Thị Thu Hường giảng bài cho học sinh.


Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi khi gặp cô Hường là nụ cười rạng rỡ, đầy sức sống thu hút người đối diện. Cô kể: “Học sinh ngày càng giỏi, các em có nhiều điều kiện để phát triển, nhiều cơ hội để thử sức nên rất mạnh dạn và bản lĩnh. Vì vậy, các thầy cô cũng phải không ngừng học tập và cập nhật những thông tin mới, cách dạy mới để hướng dẫn, chỉ bảo cho học sinh. Thông qua các chuyên đề, thuyết trình trên lớp, tạo ra bầu không khí sôi nổi, hứng thú. Từ đó, học sinh phát huy sức sáng tạo, sự tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh”.

Chính nhờ những phương pháp ấy mà các thế hệ học sinh do cô chủ nhiệm và giảng dạy đều đạt được kết quả cao.  Năm học 2015-2016, lớp 12 Anh A2 do cô chủ nhiệm đã có 100% học sinh trúng tuyển các trường đại học trong nước. Trong đó, 1 em là thủ khoa khối D, 1 em là thủ khoa khối A1 của tỉnh và 1 em có điểm thi môn tiếng Anh THPT cao nhất tỉnh. Đặc biệt, cũng trong năm học này, lần đầu tiên cô phụ trách đội tuyển quốc gia, đã có 8/8 em đạt giải với 1 giải nhì, 3 giải ba và 4 giải khuyến khích. Các năm sau đó, số học sinh có thành tích cao trong kỳ thi cấp tỉnh và cấp quốc gia đều tăng, với 18 giải cấp tỉnh và 11 giải cấp quốc gia.

Nhớ lại những kết quả đầu tiên đạt được cùng đội tuyển quốc gia cô xúc động nói: "29 tuổi, được giao làm tổ trưởng chuyên môn và lần đầu tiên phụ trách đội tuyển quốc gia tôi cảm giác khá áp lực. Nhưng tôi nghĩ, đây là cơ hội mà Ban Giám hiệu đã tạo điều kiện, tin tưởng giao phó nên đã cố gắng trau dồi thêm chuyên môn, cùng học sinh nỗ lực ôn luyện, để đạt được kết quả cao nhất”.

Với sự nỗ lực của mình, cô Hường đã đạt danh hiệu lao động tiên tiến, giáo viên giỏi cấp cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trong nhiều năm, được nhận bằng khen của UBND tỉnh. Chia sẻ về  bí quyết đào tạo học sinh giỏi quốc gia, cô cho biết: "Bản thân mỗi học sinh khi được lựa chọn vào đội tuyển quốc gia đã là những người đặc biệt và có tố chất. Vì vậy, nhiệm vụ của tôi là truyền cảm hứng, giúp các em có động lực để quyết tâm, tập trung trong giai đoạn nước rút. Bên cạnh đó, tôi cũng cập nhật những dạng đề mới, những cách làm bài hiệu quả để các em luyện tập và làm quen".

 

Em Trần Thị Nhung nhận phần quà tuyên dương học sinh giỏi từ khu phố.
Em Trần Thị Nhung nhận phần quà tuyên dương học sinh giỏi từ khu phố. 

Trần Thị Nhung, học sinh lớp 12A2, Trường TH-THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những tài năng trẻ của tỉnh năm 2018. Chúng tôi khá ấn tượng với cách nói chuyện chững chạc, tự tin của em và đặc biệt là tình yêu em dành cho môn hóa.

Năm học 2017-2018, dù mới chỉ là học sinh lớp 11 nhưng Nhung đã đoạt giải nhất môn hóa học trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12. Không những thế, các năm học trước đó, em còn có bảng thành tích “vượt cấp” khi đoạt hàng loạt giải thưởng như: Giải khuyến khích môn hóa học trong kì thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 năm học 2016-2017; giải ba môn hóa học trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp thành phố, giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2015-2016; là học sinh gương mẫu, chăm chỉ được bạn bè, thầy cô yêu quý.

Bén duyên với môn hóa từ năm lớp 8, thí nghiệm thả kiềm vào nước tạo tiếng nổ lớn khiến em rất ấn tượng. Từ đó, em đọc và tìm hiểu thêm nhiều kiến thức về hóa học, rồi nhận thấy đây là môn học có khả năng áp dụng cao vào thực tế; nhất là trong các lĩnh vực y dược, hóa chất, hình thành và hoạt động của nguyên tố phóng xạ để tạo nguồn năng lượng mới...

Để có được kết quả học tập như ngày hôm nay, ít ai biết rằng, Nhung đã phải nỗ lực rất nhiều trong cuộc sống và học tập. Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, bố mất sớm, mẹ một mình nuôi Nhung và em trai ăn học, nhưng em vẫn thấy mình may mắn hơn nhiều bạn khác. Nhung tâm sự: “Ở những nơi vùng cao, các bạn nhỏ còn phải đi hàng chục km để đến trường, phải ăn cơm với muối, mùa đông không có áo ấm để mặc. So với các bạn, em vẫn còn may mắn khi có gia đình ở bên. Học là con đường duy nhất để em theo đuổi đam mê, ước mơ và khẳng định bản thân mình”.

Để thực hiện điều đó, ngoài việc học tập trên lớp, Nhung còn làm thêm nhiều bài tập từ đơn giản đến phức tạp để bổ sung kiến thức thông qua các trang web tự học. Đồng thời, tìm kiếm các video thí nghiệm về hóa học để ghi nhớ công thức cũng như các phản ứng hóa học. Nhung đã nỗ lực rất lớn, theo sát chương trình thầy cô giảng dạy, cũng như tập trung ôn luyện bài tập đội tuyển của trường, đặc biệt liên hệ, vận dụng giữa kiến thức lý thuyết và thực tế.

Mơ ước lớn nhất của Nhung là trở thành sinh viên đại học quân y. Em mong muốn có thể áp dụng kiến thức và niềm đam mê hóa học để sáng chế ra những loại thuốc chữa bệnh mới. Chúc Nhung sớm thực hiện được ước mơ của mình.

Bài, ảnh: Hoàng Quỳnh 

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu