4
18
/
819846
Quê tôi bên dòng sông huyền thoại
longform
Quê tôi bên dòng sông huyền thoại

 


 

 

Quê  tôi nằm bên dòng Bạch Đằng giang lịch sử và tự hào. Con sông đã chứng kiến 3 trận thủy chiến vang dội chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nay vùng đất đảo Hà Nam đang vươn mình đổi thay mạnh mẽ từng ngày bên dòng sông huyền thoại...

 

Hằng năm, từ ngày 5 đến 7 tháng Giêng (âm lịch), ngư dân trên đảo Hà Nam mở hội Tiên Công...
Hằng năm, từ ngày 5 đến 7 tháng Giêng (âm lịch), ngư dân trên đảo Hà Nam mở hội Tiên Công...


Trải dọc đất nước hình chữ “S” Việt Nam có hàng nghìn con sông lớn nhỏ đổ ra biển. Mỗi một dòng sông đều gắn với một câu chuyện lịch sử. Với dòng sông Bạch Đằng ở vùng đất Quảng Yên từ xưa đã vang danh sử sách với 3 trận đánh vang dội trước sự xâm lược của giặc phương Bắc. Đó là Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán vào năm 938, Lê Đại Hành đại thắng quân Tống xâm lược năm 981 và Trần Hưng Đạo phá tan quân Nguyên Mông năm 1288. Ba lần đại thắng Bạch Đằng đã lập nên chiến công lừng lẫy nhất trong lịch sử thủy chiến của dân tộc Việt Nam và trở thành biểu tượng sức mạnh về truyền thống yêu nước, đánh đuổi giặc ngoại xâm...

 

 

 

Cho đến nay, dấu tích của 3 trận chiến trên dòng sông Bạch Đằng vẫn còn lưu giữ nhiều cọc chiến tại: Bãi cọc Yên Giang (phường Yên Giang), Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa (phường Nam Hòa). Đây chính là di sản quý giúp con cháu mai sau tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, xây dựng và phát triển vùng đất này.

 

Hòn đảo Hà Nam - nơi mẹ sinh tôi nằm ngay cửa của dòng sông huyền thoại. Qua những câu chuyện kể từ ngày xửa ngày xưa, giúp tôi hiểu thêm lịch sử hình thành, phát triển hòn đảo quê mình. Tương truyền vào năm 1434 đời vua Lê Thái Tông có chủ trương di dân mở rộng bờ cõi kinh thành Thăng Long. Tuân chiếu vua ban, bấy giờ một nhóm 17 người ở làng Kim Liên, phủ Hoài Đức, thành Thăng Long đã xuôi thuyền qua sông Hồng đến cửa sông Bạch Đằng tìm vùng đất mới khai cơ, lập nghiệp bằng nghề chài lưới. Khi đến đây, dựa theo tiếng ếch kêu giữa bốn bề nước mặn, các Tiên Công đã tìm ra mạch nước ngọt, bèn khơi mạch nước thành hồ (nay dân trên đảo gọi đó là hồ Mạch). Những vị Tiên Công tiếp tục cho quai đê lấn biển lập ra các làng, xã trù phú như bây giờ. Để tưởng nhớ công ơn của họ, ngày nay ngư dân làng đảo đã xây dựng 1 miếu thờ 17 vị Tiên Công tại xã Cẩm La. Hằng năm, từ ngày 5 đến 7 tháng Giêng, dân làng đảo thường mở hội lớn để báo ơn những vị "khai sinh" ra hòn đảo này.

Ảnh: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Phượng Đại
Ảnh: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Phượng Đại

 

Xưa kia hòn đảo này là một bãi triều lớn. Mỗi khi thủy triều dâng đảo như lặn chìm nhỏ bé giữa bốn bề sóng nước. Ít ai ngờ rằng, ngư dân trên đảo giờ vẫn còn gìn giữ hồn xưa nét cũ, những phong tục tập quán chứa đựng trong đó câu chuyện cội nguồn hình thành lên đảo Hà Nam ngày nay. Trước đây, địa hình đảo Hà Nam nằm giữa vùng sông nước nơi cửa biển Bạch Đằng, cuộc sống của ngư dân trên đảo phụ thuộc chủ yếu vào nghề đi biển. Từ bao đời nay, hình ảnh những con thuyền, ngư cụ đánh bắt tôm, cá cũng đã gắn bó quen thuộc với ngư dân nơi đây. Từ đó những làng nghề truyền thống như đan ngư cụ, thuyền ở làng Hưng Học (phường Nam Hòa) hay nghề đóng tàu ở làng Phong Lưu (phường Phong Hải) đã được hình thành, phát triển. Trải qua hàng trăm năm tuổi, hiện nay cả 2 làng nghề vẫn được những nghệ nhân trên đảo "truyền lửa" bảo tồn và phát triển chúng.

Theo những bậc cao niên trên đảo kể lại: Để lập lên những làng, xã đảo Hà Nam trù phú như bây giờ, từ lâu ngư dân làng đảo đã có truyền thống quai đê lấn sông, biển lập làng và làm thủy lợi. Những kinh nghiệm xẻ đất, bó độn, cắm say, hạp long, đắp đê... thời cha, ông xưa ai cũng biết. Vì vậy, văn hóa tín ngưỡng vùng đảo Hà Nam hiện vẫn có nhiều ngôi miếu, đền lập ngay sát con đê tại các làng để người dân suy tôn, thờ cúng những người đã có công lớn giúp họ bảo vệ đê điều, làng xóm trù phú như ngày nay.

Trải qua nhiều thế kỷ hình thành, phát triển, giữa muôn ngàn con sóng Bạch Đằng giang nay vẫn âm vang hào khí hòa cùng nhịp đổi thay mạnh mẽ của hòn đảo Hà Nam.

Đảo Hà Nam, TX Quảng Yên đang đón những cơ hội mới để phát triển...
Đảo Hà Nam, TX Quảng Yên đang đón những cơ hội mới để phát triển...


 

 

 

Sông Chanh là một chỉ lưu của sông Bạch Đằng chia cắt địa hình vùng đất Quảng Yên thành 2 khu vực chính: 1 bên là đảo Hà Nam, bên kia là Hà Bắc. Hòn đảo Hà Nam có chu vi rộng hơn 34km với hơn 5 vạn dân sinh sống tại 8 xã, phường. Nhiều năm trước đây, quê tôi đảo Hà Nam vẫn bị cô lập như một “ốc đảo” tách biệt hẳn với nhịp sống bên ngoài. Muốn giao lưu buôn bán, đi lại, ngư dân trên đảo chỉ có cách di chuyển bằng những chuyến phà ngang chậm chạp. Thế nhưng, hình ảnh người dân đi qua những chuyến phà cũ giờ đây chỉ còn là ký ức. Năm 2001, cây cầu Sông Chanh vắt ngang dòng sông lịch sử được khánh thành và đưa vào sử dụng trong niềm vui vỡ òa chờ đợi của hàng nghìn hộ dân trên đảo. Cầu Sông Chanh đã khai thông thế bế tắc, giúp ngư dân vùng đảo kết nối giao thương, buôn bán thuận tiện với các vùng lân cận.

 

Đặc biệt tháng 9 này, cây cầu Bạch Đằng - mang tên dòng sông huyền thoại được khánh thành, đưa vào sử dụng. Đây là cột mốc đáng nhớ của ngư dân vùng đảo Hà Nam. Những ngày này, trên công trường xây dựng cầu Bạch Đằng các đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để nối nhịp bờ vui. Phía bên đây cầu, tuyến đường cao tốc Hạ Long - cầu Bạch Đằng dài 24,6km chạy xuyên qua đảo Hà Nam đang chờ kết nối đồng bộ với cầu Bạch Đằng. Đây là tuyến cao tốc xây dựng đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh. Tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn quãng đường từ TP Hạ Long đi Hà Nội từ 180km xuống còn 130km, quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng từ 75km xuống còn 25km.

Không chỉ rút ngắn quãng đường với Hải Phòng - Hà Nội, tạo động lực thúc đẩy kinh tế Quảng Ninh phát triển, tuyến cao tốc này còn mở ra một tương lai với bao vận hội mới cho đảo Hà Nam. Ngư dân Đỗ Thị Hà, xã Liên Vị, chia sẻ: Quãng đường di chuyển: Vân Đồn, Hạ Long, Hải Phòng, Hà Nội... được rút ngắn sẽ giúp nhiều nông sản, hàng hóa của bà con trên đảo tiêu thụ dễ dàng hơn. Chúng tôi tin rằng, có đường cao tốc rồi mọi thứ ở vùng đảo Hà Nam sẽ tiếp tục bứt phá đổi thay.

Cầu Bạch Đằng dự kiến khánh thành vào đúng ngày Quốc khánh 2/9. 
Cầu Bạch Đằng dự kiến khánh thành vào đúng ngày Quốc khánh 2/9.                         Ảnh: Đỗ Phương

 

Hiện nay, tuyến cao tốc này còn kết nối đồng bộ với Khu Công nghiệp Nam Tiền Phong, đặc biệt là Dự án khu kinh tế tổng hợp cảng biển Đầm Nhà Mạc quy mô 6.300ha. Dự án này có nhiều hạng mục: Khu công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ; khu cảng nước sâu, cảng dầu; khu cảng sông và chợ đầu mối khu biệt thự nhà chung cư cao tầng cho chuyên gia; khu đô thị ven sông, đường cao tốc nối với khu công nghiệp Đình Vũ Hải Phòng... Hiện dự án đang hoàn tất các thủ tục để trình Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, TX Quảng Yên hiện còn xúc tiến, khởi động nhiều dự án trọng điểm, như: Dự án xây dựng Khu công nghiệp Sông Khoai (Tập đoàn Amata Thái Lan); Khu phức hợp Hạ Long Xanh (Tập đoàn Vingroup đầu tư) tại các địa phương: Tân An, Hà An, Hoàng Tân, Liên Hòa, Tiền An...

Trong tương lai gần, đây thực sự là những cú hích và điểm nhấn quan trọng tạo đà cho đảo Hà Nam - Quảng Yên trở thành vùng kinh tế phát triển năng động phía Tây của tỉnh. Vùng đất bên dòng Bạch Đằng giang lịch sử giờ đây đang đổi thay từng ngày. Cán bộ, quân và dân nơi đây đang nỗ lực, cố gắng, năng động, sáng tạo để lập nên những kỳ tích - Kỳ tích về những công trình, dự án của sự đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội.

Bài, ảnh: Phạm Tăng

Trình bày: Tất Đạt

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu