4
18
/
819575
Lên đỉnh Đèo Nai ngắm thành phố mỏ…
longform
Lên đỉnh Đèo Nai ngắm thành phố mỏ…

 

cover2.jpg
 


 

"Em chưa được về Cẩm Phả quê anh/ Lên đỉnh Đèo Nai ngắm thành phố mỏ/ Ngắm Bái Tử Long trùng trùng đảo nhỏ/ Như những con rồng chầu vào vùng than… "(trích ca khúc "Về với quê anh" của cố nhà báo, nhà thơ Ngô Tiến Cảnh) -  Những ca từ ấy vang lên đều khiến cho mỗi người xa quê lại đau đáu nỗi nhớ về một Vùng mỏ Cẩm Phả thân thương... 

 

Như lời ca khúc "Về với quê anh", Vùng mỏ Cẩm Phả bất cứ nơi nào cũng thấy than. Nhìn lên núi thấy những tầng cao của mỏ Cọc Sáu, Đèo Nai; nhìn ra biển thấy những cảng than vươn dài; ra khơi Vịnh Bái Tử Long, những đảo nhỏ tựa như những con rồng cũng hướng vào vùng than. Hình ảnh của than đen lấp lánh vừa quý giá, vừa kiên cường như chính con người nơi đây. Có lẽ bởi thế mà không vùng đất nào dấu ấn của than lại “ăn sâu” vào nếp nghĩ, văn hóa, lối sống như Cẩm Phả.Với những người sinh ra và lớn lên thời kỳ trước giải phóng, Vùng mỏ là hình ảnh của những ngày đấu tranh, trường kỳ kháng chiến, của sự kiên cường mà anh dũng, hào hùng, bất khuất. Cẩm Phả chính là nơi đầu tiên của Quảng Ninh thành lập Chi bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội vào năm 1928, nơi xuất bản tờ báo Than, nơi tổ chức những hoạt động đấu tranh gây chấn động làm nức lòng công nhân cả nước. Cẩm Phả cũng là nơi khởi đầu cuộc tổng bãi công của hơn 30 nghìn công nhân mỏ từ ngày 12/11 đến 28/11/1936. Đây là cuộc bãi công lớn nhất, tiêu biểu cho phong trào cách mạng nước ta thời kỳ 1936-1939. Thắng lợi của cuộc tổng bãi công đã để lại bài học sâu sắc về ý thức “kỷ luật và đồng tâm”, về tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường bất khuất và cả niềm tự hào của các thế hệ công nhân mỏ. Và cũng từ chính nơi đây,  ngày 12/11/1936 đã đi vào lịch sử và trở thành Ngày Truyền thống của công nhân mỏ. 

Cẩm Phả nhìn từ trên cao
Cẩm Phả nhìn từ trên cao.

Cẩm Phả không phải là nơi duy nhất ở Quảng Ninh có than, nhưng tâm hồn than, nếp sống công nghiệp, tinh thần “kỷ luật và đồng tâm” dường như chỉ có ở đây là đậm nét nhất. Phần lớn những đứa trẻ như chúng tôi được sinh ra trong các gia đình có bố mẹ làm công nhân ngành Than. Vì thế, ký ức thời thơ ấu của chúng tôi chỉ “gói gém” gắn liền với các khu tập thể Than Dương Huy, Cơ khí Trung tâm, Than Mông Dương… Thỉnh thoảng lại vui mừng khôn xiết khi theo chân bố mẹ đi chợ Địa Chất, ra rạp Công Nhân, vui chơi ở Quảng trường 12/11... Chuyện đời thường chúng tôi thường nghe cũng không thoát khỏi… than, xoay quanh ca hai, ca ba, lên tầng cao, xuống lò sâu hay vào xưởng máy…

May mắn được sinh ra, lớn lên, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của Cẩm Phả, tôi không khỏi tự hào xúc động. Mới chục năm trôi qua, tốc độ phát triển của thành phố hôm nay khiến cho mỗi người đi xa khi trở về đều không khỏi ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng bởi chính những điều lạ mà quen, quen mà lạ của thành phố hôm nay. Quen bởi trong ký ức của mỗi người vẫn còn hình ảnh núi Cốt Mìn sừng sững, nơi chứng kiến những thăng trầm của Cẩm Phả, biểu tượng đối với người dân Vùng mỏ. Lạ bởi nay không chỉ có núi Cốt Mìn, mà còn có những ngôi nhà cao tầng thi nhau mọc san sát bao bọc quanh núi. Phố mỏ ngày ấy chỉ có vài khu đông đúc ở Núi Trọc, Chợ Cũ, Chợ Mới... nay sầm uất với các đô thị được quy hoạch hiện đại ở Bến Gio, Cẩm Bình… Ngay cả khu chung cư 4 tầng phường Cẩm Thủy, được xây dựng vào khoảng thập niên 90, vốn gắn liền với ký ức của những người cán bộ, công nhân Nhà máy Cơ khí trung tâm Cẩm Phả nay cũng đang được đầu tư xây dựng thành Khu chung cư cao tầng. Cẩm Phả hôm nay đang trở thành đại công trường với những công trình kết cấu hạ tầng mang tính đột phá, như: Kè chống sạt lở kết hợp đường giao thông đoạn từ bến phà Tài Xá đến cầu Vân Đồn 1; nâng cấp, cải tạo QL18 đoạn Hạ Long - Mông Dương; cầu Cẩm Hải; khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng cao cấp Quang Hanh…

Không chỉ ở diện mạo của thành phố, cuộc sống của thợ mỏ cũng đủ đầy hơn. Họ có thể “mặc áo sơ mi trắng lên tầng, rồi mới thay áo công nhân bảo hộ”, đi làm có xe ca đưa đón, khu vực sản xuất có máy điều hoà, tắm nóng lạnh. Đời sống tinh thần của người công nhân mỏ được quan tâm, nào sân vận động, nhà thi đấu, nhà sinh hoạt văn hoá, thư viện… Những khu nhà ở cho công nhân được xây dựng khang trang, kiên cố, hiện đại mọc lên ngày càng nhiều ở Cẩm Sơn, Cẩm Thuỷ, Quang Hanh…

 

Thế nhưng, dù diện mạo, cuộc sống hôm nay có đổi thay thì thứ duy nhất vẫn còn lưu giữ đó chính là tinh thần “kỷ luật và đồng tâm” của con người Vùng mỏ. Những năm qua, hoạt động sản xuất than gặp nhiều khó khăn, nhưng người thợ mỏ vẫn luôn sát cánh, đồng tâm, hiệp lực vượt qua thời kỳ gian nan. Còn nhớ, trận mưa lụt cuối tháng 7 đầu tháng 8/2015, nhiều mỏ than bị ngập, nặng nhất là mỏ Mông Dương (Công ty Than Mông Dương). Nước lụt trắng mỏ, hệ thống trạm điện, hầm lò, bơm thoát nước mỏ, các gương lò chợ, lò sản xuất cơ bản bị ngập lụt, nhiều đường lò bị phá huỷ… Mỏ dừng sản xuất, ảnh hưởng đến việc làm của hơn 4.000 lao động. Thiệt hại sơ bộ trên 500 tỷ đồng. Thế nhưng, chính trong lúc gian nan đó, tinh thần “kỷ luật và đồng tâm” lại thôi thúc những người thợ mỏ cùng nhau sát cánh khắc phục ngập lụt, khôi phục sản xuất, đảm bảo cuộc sống. Mỏ Mông Dương được hồi sinh trước kế hoạch 2 tháng. Mừng nhất là dù công tác cứu mỏ gặp rất nhiều hiểm nguy đe doạ, nhưng đã không xảy ra sự cố, tai nạn đáng tiếc nào. Câu chuyện của thợ mỏ Mông Dương quyết tâm giành sự sống cho mỏ là minh chứng rõ nét cho tinh thần kỷ luật và đồng tâm vẫn luôn gìn giữ, kế thừa, phát huy. Cũng chính tinh thần đó đã tạo nên Vùng mỏ của ngày hôm nay. Từ năm 2013 đến nay, Cẩm Phả luôn có số thu ngân sách nhà nước đạt trên 1.000 tỷ đồng. Năm 2017, Cẩm Phả đứng đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, một trong những mảnh đất vàng về thu hút đầu tư, điểm sáng về giáo dục, y tế, an sinh xã hội…

Cẩm Phả nhìn từ mỏ than Đèo Nai
Cẩm Phả nhìn từ mỏ than Đèo Nai.

Không chỉ dừng lại ở thành phố công nghiệp, trong đường lối phát triển của mình, Cẩm Phả đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản trở thành thành phố phát triển theo hướng công nghiệp - dịch vụ đồng bộ, bền vững, thân thiện với môi trường. Trong đó, thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ "nâu" sang "xanh", thành phố đã và đang tập trung đầu tư để phát huy tốt nhất các thế mạnh hiện có về biển, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh… Đặc biệt, nơi một thời ghi dấu những năm tháng hào hùng, anh dũng mà quật cường của nhân dân Vùng mỏ, như: Quảng trường 12/11, đài tưởng niệm tại Vũng Đục, cầu Poóc Tích Cửa Ông... vẫn còn vẹn nguyên, không ngừng bảo tồn và tiếp tục gìn giữ. Song song với đó, những áp lực về môi trường từ hoạt động sản xuất công nghiệp đang dần được tháo gỡ. Xác định bảo vệ môi trường là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, cấp bách, Cẩm Phả đã lập quy hoạch bảo vệ môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đồng thời lồng ghép công tác bảo vệ môi trường vào các quy hoạch mang tính tổng thể, như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch sử dụng đất… Cẩm Phả là một trong những địa phương đi tiên phong triển khai quy hoạch, lập dự án và kêu gọi xúc tiến đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, trong đó, đến hết năm 2022 sẽ hoàn thành thu gom, xử lý nước thải tập trung cho khu vực trung tâm, đồng thời nâng cấp hệ thống thoát nước khu dân cư...

"Xin có một lần về với nơi đây, say trong bầu trời, say trong biển khơi, say trong tình người" của vùng đất “kỷ luật và đồng tâm”, của một Cẩm Phả trong hành trình chinh phục những thành tựu mới trên chặng đường vươn cao thành phố mỏ.

Bài: Cao Quỳnh

Ảnh: PV-CTV

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu