4
18
/
827985
"Kiếp tằm" - Giấc mơ cải lương trở về
longform
"Kiếp tằm" - Giấc mơ cải lương trở về

 

Kiếp tằm rút ruột nhả tơ… giống như người nghệ sĩ cải lương gian nan giữ nghề giữa bộn bề cuộc sống hôm nay. Và sau thành công của vở cải lương “Kiếp tằm” tại Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 vừa qua, có nghệ sĩ đã chia sẻ với chúng tôi rằng, chị quyết định bỏ diễn rối, vốn là thứ nghề “tay trái” đã giúp không ít nghệ sĩ lo cơm áo đời thường, để giữ nghiệp cải lương...

 

Chia sẻ đó là của nghệ sĩ Nguyễn Thị Sen, ca nương vào vai diễn bà điên vở “Kiếp tằm”. Gắn với vai đào thương, lần này chị hóa thân thành bà điên (vốn là ca nương nổi tiếng nhưng bị vùi dập đến phát điên, đồng cảm với số phận của cô đào Lan Chi), đất diễn không nhiều nhưng đòi hỏi diễn phải “lên đồng” bởi lúc điên loạn, cười nói huyên thuyên, lúc lại rất tỉnh táo...

Dù là diễn viên trẻ nhưng chị từng giành huy chương Vàng tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2012. Tuy nhiên, cái khó là lần này chị vào vai khi đang bị viêm thanh đới, 16 ngày tập là từng ấy ngày chị dùng kháng sinh tới rạc người, phải xông họng liên tục. Nhưng vào đêm thi tại Liên hoan, khi dây thanh đới hồi phục, giọng hát trở lại đã giúp chị thăng hoa cả trong diễn xuất lẫn giọng hát, xuất sắc đoạt huy chương Vàng cá nhân. 

Khác với chị Sen, nghệ sĩ Hoàng Thị Thủy (vai cô đào Lan Chi) mặc dù 18 năm gắn bó với đoàn, nhưng chưa từng đóng vai chính và đã 9 năm không hát cải lương. Vì vậy, chị rất băn khoăn khi nhận vai nữ chính vở “Kiếp tằm”, bởi đây cũng là vai diễn được kỳ vọng nhiều nhất, quyết định sự thành - bại của vở diễn.

Chị chia sẻ, vào vai khó cả về giọng hát và diễn xuất, vì bỏ nghề đã lâu. Hơn nữa, thời gian tập luyện quá ngắn nên lịch tập rất căng. “Kiếp tằm” lại là vở dựng để tham gia hội diễn nên yêu cầu của đạo diễn rất cao, các bài tập ngày một nặng hơn khiến chị mặc dù đã rất cố gắng nhưng có lần phải bật khóc ngay trên sân khấu vì quá vất vả, vì những góp ý khắt khe của đạo diễn. Lo lắng, áp lực và việc tập luyện dồn sức trong thời gian ngắn khiến chị sút liền mấy cân. Nhận chiếc huy chương đầu tiên trong nghề diễn, lại là huy chương Vàng là một phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực vượt mình của cô đào Hoàng Thị Thủy.

Xem “Kiếp tằm”, nhiều người khá ấn tượng với vai diễn anh hầu quan tri huyện do nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dũng đảm nhận. Điều đáng nói, anh vốn là dân kịch nói, dù được các bạn nghề dạy hát, nắn từng chữ một để làm quen... nhưng tâm lý đến mức có lúc anh đã xin đạo diễn cắt phần hát của mình đi để đảm bảo thành công cho vở diễn. Tuy nhiên, được sự khích lệ, cộng với nỗ lực của một nghệ sĩ khi làm nghề, anh đã làm tròn vai và đoạt huy chương Bạc cá nhân.

Ai cũng biết, những năm gần đây, nghệ thuật sân khấu nói chung, cải lương nói riêng rơi vào thoái trào. Các nghệ sĩ cải lương Quảng Ninh đã lỡ một nhịp Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2015, kể từ sau thành công của “Người đàn bà 13 bến nước” tại Liên hoan vào năm 2012. Vì vậy, sự trở lại với cải lương lần này là không dễ dàng, hầu như phải làm lại từ đầu. Nhưng các nghệ sĩ, diễn viên đều có một điểm chung, đó là được sống với nghề, đứng trên sân khấu để diễn cải lương đã tạo động lực cho họ toàn tâm, toàn lực với vai diễn.

 

Không chỉ là nỗ lực của các nghệ sĩ, diễn viên chính, mà thành công đáng nể tại Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 vừa qua có thể nói là thành công chung của tập thể Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh.

NSND Hoàng Quỳnh Mai, đạo diễn vở “Kiếp tằm” chia sẻ: Chỉ trong vòng 18 ngày, thầy, trò rất căng với lịch tập ngày 3 buổi, từ sáng đến đêm. Chúng tôi phải cố gắng hết sức mình vì đây là niềm tin mà các thế hệ nghệ sĩ đi trước của Quảng Ninh dành cho thế hệ hôm nay. Đó cũng là niềm khao khát, ước mơ cháy bỏng của các nghệ sĩ và là câu trả lời của các nghệ sĩ Quảng Ninh với nghệ sĩ cả nước sau sáp nhập…

 

Còn đạo diễn sân khấu Đức Nhuần cũng phấn khởi khen ngợi: Vở có chủ đề tư tưởng rất tốt, vở dài mà không đồng lòng thì khó mà làm tốt được. Các vai diễn đồng đều tạo một không khí hòa hợp, nâng vở lên… Cùng với đó, âm nhạc, trang trí cũng được đánh giá cao; sân khấu trang trí nhẹ nhàng, sáng tạo.

Đồng đạo diễn vở “Kiếp tằm”, NSƯT Nguyễn Thanh Chương cũng chia sẻ sự lo lắng vì mô hình mới, tư tưởng anh em chưa quen. Anh cho hay, Đoàn quyết định chọn “Kiếp tằm” để phù hợp với dàn diễn viên và vì tính nhân văn của kịch bản, cũng là thông điệp gửi tới lãnh đạo tỉnh, ngành và các nghệ sĩ, diễn viên dù khó khăn cũng phải giữ gìn nghề tổ. Xong kịch bản rồi đến chọn diễn viên cũng rất lo, vì anh em lâu lắm giờ mới quay lại với cải lương, phải nắn, sửa giọng, rèn kỹ thuật lấy hơi, hát, diễn. Cuối cùng, các diễn viên đã thể hiện rõ cả về ca, hát, vũ đạo, diễn trở lại đúng với chất cải lương.

 “Mang chuông đi đánh xứ người”, họ đã chia sẻ với bạn nghề, công chúng cả nước nỗi niềm rất thật của mình, rằng “đã rất lâu rồi, các nghệ sĩ, diễn viên cải lương của Quảng Ninh mới được cất cao tiếng hát, cung đàn...”.

 

 Bài: Phan Hằng
Ảnh: Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh cung cấp
Trình bày: Tất Đạt

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu